Chính trị

TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN XÃ XÍN CHẢI (1962 – 2015)

25/03/2022 07:40 70 lượt xem

LỜI GIỚI THIỆU

Xã Xín Chải được thành lập vào ngày 15/12/1962 theo Quyết định số 211-CP của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở tách ra từ xã Lao Chải. Là một xã biên giới, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện Vị Xuyên và là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời của các dân tộc  Dao, Tày, Nùng (trong đó dân tộc Dao chiếm chủ yếu, đạt 97%). Trải qua quá trình sinh sống, phát triển, nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã luôn giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất và dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu bước ngoặt vĩ đại, quan trọng trong phong trào cách mạng Việt Nam. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được ra đời, Đảng bộ tỉnh được thành lập (25/12/1945), tinh thần dũng cảm, kiên cường của đồng bào các dân tộc Xín Chải không ngừng được củng cố và phát huy mạnh mẽ. Nhân dân các dân tộc Xín Chải đã đoàn kết một lòng theo Đảng và Bác Hồ, tích cực tham gia cuộc vận động đấu tranh giành chính quyền, ủng hộ, đóng góp sức người, sức của trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh đuổi phát xít Nhật, diệt phỉ và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (1979-1989), là xã biên giới, Xín Chải là một trong những địa bàn đánh phá của địch, phát huy tinh thần cách mạng, nhân dân các dân tộc xã Xín Chải đã kiên cường bám trụ, vừa chiến đấu vừa sản xuất, góp phần đánh thắng kiểu chiến đấu phá hoại nhiều mặt của địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ (1986-2000), Đảng bộ xã (thành lập năm 2000 - 2015), nhân dân xã Xín Chải đã tập trung phát triển kinh tế, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, ra sức phát triển văn hóa - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng; xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ngày càng vững mạnh; từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Lớn lên trong phong trào cách mạng của quần chúng, Chi, Đảng bộ xã Xín Chải thực sự xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở, được nhân dân yêu mến, tin tưởng, lãnh đạo nhân dân xã Xín Chải vững bước trên con đường xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tái hiện lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Xín Chải là việc làm có ý nghĩa quan trọng nhằm giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc, nhất là thế hệ trẻ lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, tinh thần tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương. Trên cơ sở đó, kế thừa và phát huy tinh thần cách mạng của các thế hệ cha, anh, đoàn kết, nhất trí, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử địa phương, thực hiện Kế hoạch số 342-KH/TU, ngày 02/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, Kế hoạch số 61-KH/HU, ngày 11/3/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy Vị Xuyên về nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ xã, thị trấn và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã chỉ đạo sưu tầm tư liệu, biên soạn cuốn “Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Xín Chải (1962 - 2015)”.

 Trong quá trình nghiên cứu, biên soạn, Ban Biên soạn đã nhận được sự chỉ đạo, quan tâm giúp đỡ của phòng Lý luận Chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, các ban, ngành liên quan cũng như các đồng chí cán bộ xã qua các thời kỳ, các nhân chứng lịch sử đã từng chiến đấu trên địa bàn xã. Ban Thường vụ Đảng ủy xã Xín Chải xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu đó.

Mặc dù bộ phận biên soạn đã có rất nhiều cố gắng nhưng nguồn tư liệu thiếu, bị thất lạc do chiến tranh biên giới nên nội dung cuốn sách không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong bạn đọc xa gần đóng góp xây dựng để nâng cao chất lượng cuốn sách trong lần xuất bản sau.

Ban Thường vụ Đảng ủy xã Xín Chải xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Xín Chải (1962-2015)” tới toàn Đảng bộ và nhân dân xã.

                                                                                                                     T/M BAN THƯỜNG VỤ ĐẢNG ỦY XÃ

                                                                                                                                             BÍ THƯ

 

                                                                                                                                      Nguyễn Minh Chiến

TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG  CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN  XÃ XÍN CHẢI (1962 – 2015)
Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Xín Chải (1962-2015)

Phần một

KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG XÍN CHẢI

I. Khái quát điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội

Xín Chải là một xã vùng cao, biên giới, nằm ở phía Bắc của huyện Vị Xuyên, cách trung tâm huyện lỵ 55 km, cách trung tâm tỉnh lỵ 35 km, cách cửa khẩu Thanh Thủy 16km. Phía Bắc giáp xã Thanh Đức. Phía Đông giáp các xã Thanh Đức, Thanh Thủy và Phương Tiến. Phía Nam giáp xã Lao Chải. Phía Tây giáp huyện Ma Ly Pho (châu Vân Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 2.347,28 ha. Trong đó, đất nông nghiệp 2,224,59 ha (chiếm 94,8%), đất phi nông nghiệp 68,67 ha (chiếm 2,9%), nhóm đất chưa sử dụng 54,02 ha (chiếm 2,3%).

Xín Chải là xã vùng sâu, vùng xa, biên giới; nằm trong tiểu vùng núi cao của huyện Vị Xuyên. Địa hình xã có độ cao trung bình trên 1.000 mét. Địa hình xã chạy dọc theo suối Lao Chải - Thanh Thủy, được chia cắt thành hai bên: Một bên giáp với Trung Quốc, một bên giáp Tây Côn Lĩnh theo sườn núi với chiều dài khoảng 6 km, rộng khoảng 4 km tạo thành địa hình xã tương đối vuông. Địa hình của xã thuận lợi cho việc phát triển các cây đặc sản như chè Shan, quế, chăn nuôi đại gia súc và phát triển nghề rừng.

Xã nằm trong khu vực khí hậu cận nhiệt đới ẩm gió mùa, được chia thành 2 mùa: Mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10; mùa khô (mùa đông) từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Điều kiện khí hậu của xã thuận lợi cho phát triển nông - lâm nghiệp. Nhiệt độ trung bình hằng năm 22,60c, cao nhất vào tháng 6 khoảng 390c, thấp nhất từ tháng 2 đến tháng 3 trung bình khoảng 100c; độ ẩm trung bình 80%, lượng mưa trung bình 1.900 mm, tập trung chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 9.

 Hệ thống suối, ngòi, nước mạch của xã Xín Chải khá phong phú, nguồn nước dồi dào, tạo nên độ ẩm cao, thích hợp cho cây cối phát triển tốt. Lớn nhất là dòng suối Lao Chải, còn các suối nhỏ như: Suối cầu Khỉ (còn gọi là suối Nậm Thả); suối Tả Ván (bắt nguồn từ đỉnh Tây Côn Lĩnh có độ cao hơn 2.000 mét), đem lại nguồn nước tự nhiên mát mẻ; suối Nậm Lầu... Ngoài ra, trên địa bàn xã còn nhiều khe suối nhỏ, mạch nước chảy quanh năm bắt nguồn từ lưng chừng các dãy núi cao thuộc dải núi Tây Côn Lĩnh, có mây mù bao phủ quanh năm. Đó là nguồn nước phục vụ sinh hoạt, xây dựng các công trình thủy lợi lấy nước tưới tiêu cho đồng ruộng, phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân trong xã. Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống, phát triển, người dân còn khai thác tự do, không theo kế hoạch; do đó diện tích rừng bị thu hẹp, lượng nước không được dồi dào như trước đây, thậm chí mùa khô nước rất khan hiếm, gây nên nhiều khó khăn cho nhân dân các dân tộc trong đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Từ năm 1979 trở về trước, tài nguyên thiên nhiên của xã Xín Chải cũng rất phong phú. Rừng trên địa bàn xã chủ yếu là rừng nguyên sinh, rừng già có cây cổ thụ và rừng tạp giao xen lẫn có nhiều chủng loại động, thực vật đa dạng và phong phú với nhiều gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế cao như: Ngọc am, sa mộc, pơ mu…; nhiều lâm, thổ sản quý như: Mật ong rừng, mộc nhĩ, cây tam thất, thảo quả, nhiều loại thuốc quý...Nhiều động vật quý hiếm như: Hổ, gấu, lợn, hoẵng, khỉ, sơn dương, gà rừng…đã mang lại cho nhân dân Xín Chải một nguồn lợi đáng kể. Tuy nhiên đến nay, nguồn tài nguyên rừng đã bị cạn kiệt, các loài thú quý hiếm hầu như không còn. Nguyên nhân của tình trạng trên là do một phần chiến tranh biên giới gây ra và công tác quản lý rừng còn thiếu chặt chẽ, quy mô khai thác không hợp lý.

Hiện nay, xã Xín Chải là một trong những xã như Cao Bồ, Lao Chải, Phương Tiến, Quảng Ngần, Thượng Sơn, Thanh Thủy, Xín Chải (Vị Xuyên) thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh, do đó nguồn thực, động vật được chú trọng bảo tồn và phát huy.

Trước đây hệ thống giao thông trên địa bàn xã chủ yếu là đường đất, đường mòn dành cho người và ngựa thồ. Đến nay trên địa bàn xã có trục quốc lộ 4D chạy qua là trục đường nối từ xã về thành phố Hà Giang, là tuyến vành đai biên giới có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng và là đường liên kết Đông Tây của các tỉnh biên giới phía Bắc. Đây là điều kiện thuận lợi để xã đẩy mạnh phát triển giao lưu kinh tế, văn hóa – xã hội với các khu vực lân cận. Ngoài ra, xã còn có tuyến đường liên thôn xóm như: Tuyến đường Nậm Lầu – Nhìu Sang, tuyến đường từ trụ sở Ủy ban nhân dân xã đến thôn Nhìu Sang..; có 01 cây cầu cứng (cầu Tả Ván) và 02 cầu treo (cầu gỗ cáp sắt) là cầu treo Nậm Lầu và cầu treo Nhìu Sang.

Thời kỳ Pháp thuộc đến cuối năm 1929, vùng Xín Chải thuộc xã Thanh Thủy, tổng Yên Định, châu Vị Xuyên. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Xín Chải thuộc tổng Phương Độ, châu Vị Xuyên; từ sau tháng Tám năm 1945, Xín Chải thuộc tiểu khu Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên; từ năm 1955 đến năm 1961, Xín Chải thuộc xã Lao Chải[1]. Tuy nhiên qua các tư liệu thành văn và qua nghiên cứu, tìm hiểu, vẫn chưa xác định được vùng đất Xín Chải được điều chỉnh thuộc địa bàn xã Lao Chải từ thời điểm cụ thể nào.

Đến ngày 15/12/1962, thực hiện Quyết định số 211-CP của Hội đồng Chính phủ, xã Xín Chải chính thức được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Lao Chải (huyện Vị Xuyên). Đồng thời thôn Tả Mù Cán, xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên) được sáp nhập vào xã Xín Chải. Tại thời điểm này, xã Xín Chải gồm 3 thôn: Nhìu Sang, Nậm Lầu và Tả Mù Cán. Trong đó, 2/3 thôn của xã là thôn biên giới giáp gianh với hương Mãnh Động, huyện Ma Li Pho, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đường biên giới qua 02 thôn dài 4,438 km, từ mốc 241 đến mốc 245[2].

Đến ngày 14/5/1981, thực hiện Quyết định số 185/CP của Hội đồng Chính phủ, xã Thanh Hương (huyện Vị Xuyên) được giải thể và sáp nhập các xóm của xã Thanh Hương vào các xã Xín Chải, Thanh Đức; trong đó xóm Cù Dè Phùng (xã Thanh Hương) được sáp nhập vào xã Xín Chải. Cũng theo quyết định này, xóm Tả Ván (xã Lao Chải) được sáp nhập vào xã Xín Chải. Qua nhiều lần thay đổi, sáp nhập các thôn, đến nay địa giới hành chính xã Xín Chải đã được ổn định, gồm 3 thôn: Nậm Lầu, Nhìu Sang, Tả Ván.

Xín Chải là địa bàn sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Dao. Trải qua quá trình sinh sống và phát triển, trên địa bàn xã có thêm các dân tộc khác như: Tày, Nùng, tuy nhiên dân tộc Dao vẫn là dân tộc chủ yếu (chiếm đa số, 97%). Trước đây, dân số vùng Xín Chải còn sinh sống khá thưa thớt, tập trung ở các triền núi cao. Sau khi được chia tách và thành lập xã (cuối năm 1962), trên địa bàn xã có khoảng hơn 60 hộ dân. Đến nay, trải qua quá trình hình thành và phát triển, xã Xín Chải có 190 hộ với 989 nhân khẩu.

Về lao động sản xuất, nghề nông là nghề quyết định sự sinh tồn và phát triển của người dân nơi đây. Người dân vùng Xín Chải đã sớm biết tận dụng mọi lợi thế về khí hậu, tự nhiên, địa hình, đất đai, nguồn nước để trồng trọt, chủ yếu là trồng lúa trên nương rẫy và cấy lúa nước trên ruộng bậc thang. Ngoài ra, đồng bào còn trồng tranh thủ thời vụ trồng xen canh các loại: Bí, dưa chuột và trồng các cây sắn, chè... Bên cạnh trồng trọt, người dân Xín Chải còn chăn nuôi đại gia súc như: Trâu, bò, ngựa, dê, lợn; gia cầm như: Gà, vịt và nuôi cá.

Nghề thủ công của vùng Xín Chải trước đây khá phát triển, bao gồm nghề dệt vải để tự cung cấp nhu cầu vải mặc cho toàn cộng đồng, nghề đan lát (đan rổ, rá, cót, giỏ...); nghề mộc (làm nhà, các vật dụng phục vụ sinh hoạt như: Bàn, ghế, chạn bát, tủ, giường...), đóng khung dệt nhuộm vải, đóng cày, bừa, rèn - đúc dao, cuốc, lưỡi cày.

Đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã đều có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong từng gia đình; thờ thổ công, thổ địa. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện tinh thần hướng về cội nguồn, được thực hiện trang nghiêm và lưu truyền từ đời này qua đời khác; con cháu khi đến tuổi trưởng thành đều được dựng vợ, gả chồng; gia đình có người mất được tổ chức làm đám ma... Đặc biệt đồng bào dân tộc Dao còn duy trì lễ cấp sắc (Con trai khi lớn lên phải làm lễ cấp sắc mới được cộng đồng thừa nhận, là thành viên đủ tư cách của cộng đồng. Cấp sắc còn có giá trị để làm thầy cúng. Do có tập quán này, có thể nói rằng, trong dân tộc Dao, việc cúng bái cũng như các nghi lễ mang tính tôn giáo khá phổ biến và có khá nhiều người làm thầy cúng). Ngoài ra, đồng bào dân tộc Dao còn có lễ cúng Bàn vương; các ngày lễ, tết trong năm như: Rằm tháng Giêng (Tết nguyên tiêu), tết thanh minh (3/3), rằm tháng 7, tết 10/10 âm lịch cúng lúa mới... Thông qua những hoạt động tín ngưỡng văn hóa trên đã góp phần tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã.

Văn học dân gian của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Xín Chải khá phong phú, trong đó có các làn điệu dân ca của người Dao như: Hát cọi, hát giao duyên…. Hiện nay, đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã còn lưu truyền những truyện thần thoại, truyện cổ tích…phản ánh quan niệm về vũ trụ, về cuộc sống, tinh thần đấu tranh xã hội, ca ngợi những bậc tổ tiên dày công xây dựng cuộc sống, xây đắp quê hương, bản làng.

II. Đời sống nhân dân các dân tộc vùng Xín Chải trước năm 1962 dưới sự lãnh đạo của Đảng

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Năm 1884, chúng đặt chân đến Hà Giang. Năm 1887, thực dân Pháp căn bản hoàn thành việc chiếm đóng đến Hà Giang. Chúng đã nắm ngay bọn thổ ty, bang bá ở địa phương, ban cho chúng đặc quyền, đặc lợi, đồng thời tìm cách khống chế, kìm hãm nhằm buộc tất cả phải phụ thuộc vào chúng để lập ra bộ máy cai trị từ tỉnh tới châu. Bộ máy tay sai được thực dân Pháp thiết lập xuống tận thôn, bản, gồm tri châu, chánh tổng, lý trưởng. Dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, đời sống của nhân dân các dân tộc Hà Giang ngày càng trở nên cơ cực, điêu đứng.

Dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp và tay sai đã gây nhiều đảo lộn về mặt xã hội của nhân dân Hà Giang nói chung, vùng Xín Chải nói riêng. Nhân dân các dân tộc vùng Xín Chải phải chịu sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân phong kiến và tay sai. Bọn tay sai đã thỏa sức bóc lột, vơ vét của nhân dân bằng nhiều hình thức, tăng cường các loại thuế như: Thuế thân, thuế điền thổ, thuế nuôi thân, thuế rượu, thuế muối... làm cho nhiều người khốn khổ. Cùng với thuế khóa nặng nề người dân còn bị thực dân Pháp và tay sai bắt đi phu phen, tạp dịch để xây dựng đồn bốt và làm đường giao thông tới nơi chúng đóng quân, không ít người đã chết vì tai nạn và bệnh tật.

Để kìm hãm sự phát triển, ngăn chặn tinh thần đấu tranh chống áp bức bóc lột của nhân dân, thực dân Pháp và tay sai thi hành chính sách thâm độc, chúng khuyến khích người dân chơi cờ bạc, rượu chè, hút thuốc phiện, mê tín dị đoan, cúng bái để chữa bệnh. Chúng thực hiện chính sách “ngu dân”, vì vậy hầu như nhân dân vùng Xín Chải đều mù chữ. Chính sách ngu dân của chúng nhằm làm cho người dân mê muội, kìm hãm nhân dân trong tối tăm, ngu dốt để dễ bề cai trị, bóc lột. Ngoài ra, chúng còn ra sức dung túng và khuyến khích các tệ nạn xã hội như: Nghiện hút, cờ bạc, rượu chè, trộm cướp, mê tín dị đoan…làm cho trật tự xã hội mất ổn định, phục vụ cho việc áp bức bóc lột của bọn chúng.

Bọn đế quốc thực dân phong kiến thấy rõ được sức mạnh to lớn của tinh thần đoàn kết dân tộc, nên chúng thực hiện chính sách “chia để trị” nhằm làm cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc giảm xuống. Chúng tìm mọi cách khoét sâu vào những xích mích, mâu thuẫn giữa các dân tộc; làm cho nhân dân mất đoàn kết để nhân dân quên mất kẻ thù chính của mình là bọn thực dân cướp nước và bọn phong kiến tay sai bán nước. Chúng dựng lên các câu chuyện hoang đường mê tín dị đoan, gieo rắc tư tưởng phân biệt, kì thị giữa các dòng họ, phân biệt giàu nghèo để gây hận thù mất đoàn kết dân tộc… phục vụ cho âm mưu cai trị của chúng.

Toàn bộ chính sách cai trị của bọn thực dân phong kiến đã làm cho người dân ngày càng bị bần cùng hoá. Đời sống kinh tế cơ cực, đời sống chính trị - xã hội ngày càng hà khắc, đời sống văn hoá tối tăm…đã làm nảy sinh mâu thuẫn cơ bản trong xã hội giữa người dân cơ cực với bọn đế quốc thực dân phong kiến và tay sai.

Dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp và tay sai, trên địa bàn Xín Chải đã xuất hiện một giai tầng mới và có sự phân biệt đối xử, chênh lệnh về tài sản, địa vị giữa các tầng lớp nhân dân: Một bộ phận lớn là người dân mất đất sản xuất, nợ nần, không có quyền tự do, phải làm thuê “ăn nhờ ở đợ”; một bộ phận là tay sai cho Pháp, chiếm giữ tài sản lớn, có quyền hành áp bức nhân dân...

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, nhân dân các dân tộc trên địa bàn Xín Chải đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và đi theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, quyết tâm giành độc lập, tự do, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Tháng 9 năm 1939, phát xít Đức - Ý - Nhật gây chiến tranh thế giới thứ hai. Ở châu Âu, phát xít Đức - Ý ồ ạt đánh chiếm nhiều nước Đông Âu và tiến về Liên Xô, âm mưu tiêu diệt “nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới”. Tháng 6 năm 1940, phát xít Đức chiếm được nước Pháp, từ đó thực dân Pháp càng tăng cường việc khai thác, bóc lột các thuộc địa để cung cấp sức người, sức của cho chiến tranh. Ở châu Á, phát xít Nhật ra sức bành trướng, xâm chiếm các nước Đông - Nam Á; tháng 9 năm 1940 chúng buộc Pháp phải để chúng xâm chiếm Đông Dương. Cùng một lúc bị mấy kẻ thù xâu xé, nhân dân ta vô cùng cực khổ. Thực dân Pháp tăng mức các loại thuế cũ, đặt thêm nhiều loại thuế mới và bắt hàng nghìn người đi phu, đi lính làm bia đỡ đạn cho chúng. Phát xít Nhật một mặt bắt nhân dân ta nhổ lúa để trồng đay và thầu dầu, mặt khác ra sức vơ vét thóc lúa, cướp bóc của cải, đẩy nhân dân ta chìm sâu vào cảnh đói nghèo, chết chóc. Chúng càng ráo riết lùng sục, khủng bố, cầm tù những đảng viên cộng sản, những người yêu nước, những cơ sở cách mạng. Đảng phải rút vào hoạt động bí mật. Tuy vậy phong trào đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn không ngừng phát triển.

Đối với địa bàn Hà Giang, chính sách cai trị của bọn Pháp - Nhật đã làm cho đời sống của nhân dân các dân tộc càng đói khổ, bần hàn hơn. Nạn đi phu, đi lính, thuế má, tạp dịch tăng lên. Chính những thủ đoạn cướp bóc, đàn áp của bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật đã làm tăng thêm mâu thuẫn và khơi thêm ngọn lửa căm thù của các tầng lớp nhân dân đối với chúng. Vì vậy, mặc dù địch tăng cường kiểm soát, bắt bớ, tù đày, nhân dân các dân tộc Hà Giang vẫn tìm mọi cách để tổ chức phong trào, xây dựng những cơ sở cách mạng để chuẩn bị bước vào thời kỳ đấu tranh quyết liệt với quân thù, giành chính quyền về tay nhân dân.

Từ năm 1932-1939, Hà Giang đã có nhiều cán bộ của Đảng đến gây dựng cơ sở cách mạng. Đồng chí Hồ Xanh đến Sở Lục Lộ (Sở Giao thông công chính); đồng chí Lê Đình Tuyển đến làng Trần (xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên); đồng chí Phạm Trung Ngũ đến xã Bằng Hành (Bắc Quang) nhưng chẳng bao lâu, các đồng chí đã bị Pháp và bọn tay sai phát hiện, trục xuất khỏi địa phương.

Do đặc thù điều kiện tự nhiên và xã hội của Hà Giang là một tỉnh miền núi, nên phong trào cách mạng ở đây phát triển muộn và chậm hơn so với các tỉnh khác, nhất là so với các tỉnh đồng bằng. Phải đến năm 1940 trở đi phong trào cách mạng ở Hà Giang mới được phát triển. Trong thời gian này, mặc dù Xứ ủy Bắc Kỳ và Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng liên tiếp cử nhiều cán bộ, đảng viên đến Hà Giang gây dựng cơ sở và phát triển phong trào cách mạng, song việc phát triển Đảng vào quần chúng các dân tộc địa phương và việc thành lập chi bộ chưa tiến hành được, vì điều kiện chưa cho phép.

Ngày 28/1/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước, Người chọn Cao Bằng làm cơ sở cách mạng và Người trực tiếp xây dựng Mật trận Việt Minh ở Cao Bằng. Tiếp đó, sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5/1941), Người lấy vùng này làm trung tâm căn cứ địa, từ trung tâm này, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, lực lượng cách mạng lan rộng theo các hướng, trong đó có hướng Tây tiến, phát triển sang Hà Giang.

Theo chủ trương của lãnh tụ Hồ Chí Minh, báo Việt Nam độc lập Đồng Minh gọi tắt là Việt Minh ra đời do Người trực tiếp phụ trách từ ngày 01/8/1941 cùng với một số tài liệu tuyên truyền của Đảng, của Mặt trận Việt Minh bằng tiếng phổ thông và tiếng các dân tộc Tày, Dao, Mông đã có tác dụng thiết thực và sâu sắc trong việc giáo dục, động viên quần chúng hăng hái tham gia vào tổ chức Cứu quốc, đã trở thành công cụ tuyên truyền của Việt Minh, theo các cán bộ cứu quốc từ Cao Bằng đi các nơi và sang Hà Giang, góp phần quan trọng vào việc tổ chức Mặt trận Việt Minh ở các xã khu vực vùng cao miền núi, trong đó có vùng Xín Chải.

Ngày 19/5/1941 Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) với sứ mệnh là tổ chức, tập hợp rộng rãi các lực lượng quần chúng đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đầu năm 1942, quân Nhật đến Hà Giang mở rộng chiếm đóng toàn tỉnh. Tháng 8 năm 1945 chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh; nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong phạm vi cả nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 02/9/1945 Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu tuyên bố nước nhà độc lập. Hòa chung với niềm vui của nhân dân các dân tộc trên phạm vi cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc vùng Xín Chải đã đoàn kết một lòng, kiên trì đấu tranh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hy sinh để tích cực tham gia cuộc vận động đấu tranh giành lấy chính quyền, tích cực phấn đấu xóa bỏ những tàn dư do chế độ thực dân phong kiến để lại, bắt tay vào xây dựng chế độ mới.

Sau khi ra đời, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ đã phải đương đầu với những khó khăn thử thách hết sức nghiêm trọng đó là nạn đói, nạn mù chữ, thiên tai, địch họa. Ở miền Bắc, gần 20 vạn quân Tưởng, lấy danh nghĩa Đồng minh giải giáp quân đội Nhật tràn vào, bọn phản động tay sai núp bóng cũng bám theo. Ở miền Nam, quân đội Anh kéo vào, theo sau chúng là một số đơn vị quân đội Pháp. Ngày 23/9/1945 thực dân Pháp gây chiến ở Sài Gòn, mở đầu chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngày 25/11/1945 Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, xác định kẻ thù chính của nhân dân ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược. Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, nhân dân vùng Xín Chải đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, chống giặc đói, giặc dốt; vận động, tập hợp khối đại đoàn kết của toàn dân chống thực dân Pháp, giữ vững chính quyền cách mạng.

Để hợp pháp hoá chính quyền dân chủ nhân dân các cấp từ Trung ương đến địa phương, Trung ương Đảng chủ trương tổ chức cuộc tổng tuyển cử trong toàn quốc, bầu ra Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Hội đồng Nhân dân các cấp. Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 06/01/1946 trong không khí tưng bừng, phấn khởi của quân và dân cả nước, nhân dân vùng Xín Chải cùng với nhân dân huyện Vị Xuyên đã nô nức đi bầu cử, bầu ra những đại biểu ưu tú, đại diện cho nhân dân các dân tộc vào Quốc hội.

Cuối năm 1946, quan hệ giữa ta và Pháp hết sức căng thẳng, thực dân Pháp âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Trước những hành động gây chiến ngày càng trắng trợn của quân Pháp, ngày 17/12/1946 Thường vụ Trung ương Đảng quyết định phát động cả nước kháng chiến và đề ra những vấn đề cơ bản của đường lối kháng chiến.

Sáng ngày 20/12/1946, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền khắp cả nước: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”.

Ngày 22/12/1946, Trung ương Đảng ra chỉ thị “toàn dân kháng chiến”, Chỉ thị đã nêu rõ mục đích cuộc kháng chiến là giành độc lập và thống nhất Tổ quốc. Đường lối chỉ đạo toàn bộ cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Hồ Chủ tịch và thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, cả dân tộc Việt Nam đã đoàn kết một lòng, đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Thực hiện chủ trương của Đảng, nhân dân vùng Xín Chải đã tích cực đẩy mạnh tăng gia sản xuất, vừa xây dựng và củng cố lực lượng dân quân du kích để sẵn sàng đối phó với âm mưu xâm lược của kẻ thù, bảo vệ hậu phương.

Thu - đông năm 1947, Pháp mở cuộc tấn công lên Việt Bắc đồng thời chúng thực hiện âm mưu bao vây biên giới. Pháp dùng thổ phỉ để thực hiện chính sách chia rẽ dân tộc “Dùng người Việt, đánh người Việt”. Lúc này, vấn đề quan trọng hàng đầu đặt ra cho Đảng bộ tỉnh là phải xác định đúng nhiệm vụ trong tình hình mới, phải quán triệt và thực hiện kịp thời chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng trong hoàn cảnh cụ thể của địa phương, quán triệt tinh thần “toàn dân Việt Nam đoàn kết chặt chẽ kháng chiến lâu dài”, tập trung đầy đủ sức mạnh để chống ngoại xâm, diệt trừ nội phản và bọn chống đối, đề phòng tình huống cùng một lúc phải đối phó với quân giặc trước mắt và kẻ thù sau lưng, trước hết là phải tiễu trừ thổ phỉ để bảo vệ quê hương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Hà Giang nói chung, nhân dân vùng Xín Chải nói riêng đã thực hiện chủ trương thu hẹp vùng tạm chiếm của địch. Quân chủ lực của ta cùng với dân quân du kích Thanh Thủy, Lao Chải (trong đó có lực lượng du kích vùng Xín Chải) đã đánh đuổi địch rút khỏi khu vực trên.

Đầu năm 1948, vùng trống biên giới duy nhất thực dân Pháp chưa chiếm được trên địa bàn Hà Giang chính là Đồng Văn và Vị Xuyên, hòng bịt nốt “đoạn thủng” này, ngày 03/4/1948 thực dân Pháp và phản động đánh chiếm huyện lỵ Hoàng Su Phì; ngày 10/4/1948 địch chiếm được Nậm Ty, Nậm Ong, đánh ra Yên Bình (Bắc Quang); ngày 14/4/1948 địch vượt Tây Côn Lĩnh đánh và chiếm Thanh Thủy, Lao Chải nhằm cắt đứt quốc lộ 2, bao vây tỉnh lỵ Hà Giang từ hai hướng.

Sau hơn một tháng liên tục mở các cuộc tiến công chiếm đất, giành dân, buộc địch phải tạm ngừng tiến công vì khó khăn, thiếu thốn về quân số, hậu cần. Chúng tập trung củng cố các vị trí đã chiếm được, lực lượng địch trên toàn mặt trận Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên có gần 2.000 tên, thành phần chỉ huy phần đông là lính Pháp cũ (trong đó có 30 sỹ quan Pháp), đóng giữ trên 20 đồn bốt từ Thanh Thủy, Lao Chải qua Hoàng Su Phì, Cốc Pài tới Khuôn Lùng, Yên Bình (Bắc Quang) tạo thành một vòng cung khống chế biên giới Việt - Trung đoạn qua hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên, uy hiếp tỉnh lỵ Hà Giang và quốc lộ 2. Thực hiện chủ trương của Đảng về thành lập tổ, đội dân quân du kích làm nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, tổ dân quân du kích vùng Xín Chải đã được thành lập để giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ địa bàn và sẵn sàng chiến đấu.

Sau sự kiện bạo loạn của bọn phản cách mạng theo Quốc Dân Đảng (1947-1948), trước yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở địa phương, ngày 15/8/1948, Tỉnh ủy Hà Giang đã quyết định thành lập Đảng bộ huyện Vị Xuyên gồm 16 đảng viên, đồng chí Triệu Quý Gia được chỉ định làm Bí thư Đảng bộ.

Ngay sau khi được thành lập, Đảng bộ huyện đã phân công đảng viên trong Đảng bộ phụ trách các xã để gây dựng phát triển đảng viên và tổ chức cơ sơ Đảng. Bên cạnh việc phát triển Đảng ở cơ quan công sở, Đảng bộ huyện Vị Xuyên còn đặc biệt chú trọng tới việc gây cơ sở đảng ở nông thôn.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Hà Giang về việc vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng vũ trang, trong năm 1948, ở hai huyện Bắc Quang và Vị Xuyên đã có 2.500 dân quân tập trung tại chỗ và 1.152 du kích cơ động. Các thứ quân của ta tổ chức chiến đấu liên tục làm cho địch không những không mở rộng được vùng tạm chiếm mà phải co cụm lại. Điển hình tốt về phong trào dân quân du kích trên địa bàn huyện Vị Xuyên gồm: Lao Chải (trong đó có vùng Xín Chải), Thượng Sơn, Thanh Thủy, Cao Bồ, Việt Lâm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Vị Xuyên, đội dân quân du kích vùng Xín Chải vừa tích cực xây dựng và củng cố lực lượng, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu; vừa tăng gia sản xuất, chi viện cho tiền tuyến.

Năm 1950, Pháp đã đưa khoảng 300 quân vào Lao Chải (trong đó có vùng Xín Chải), Thanh Thủy. Trước tình hình trên, Tỉnh ủy nhận định: Chúng tiếp tục ra sức tăng thêm quân và củng cố các đồn Lao Chải (gần Thanh Thủy), càn quét cơ sở ta, khủng bố dân chúng. Chúng muốn chiếm Lao Chải để tiến ra Thanh Thủy bịt lối cửa ngõ của ta sang Trung Hoa.

Bước sang năm 1951, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, bộ đội địa phương Vị Xuyên được tăng cường lực lượng đóng tại Cổng trời Lao Chải để cảnh giới và đề phòng mọi sự bất chắc có thể xảy ra. Năm 1952, trên địa bàn Lao Chải đã củng cố được 1 đội dân quân, trong đó có một số dân quân là người vùng Xín Chải.

Tháng 9/1952, Tỉnh ủy đã tiến hành họp bàn về việc đề phòng địch đánh ra mặt Lao Chải, Thanh Thủy, Cao Bồ (Vị Xuyên); Thượng Sơn, Khuân Lùng, Thông Nguyên, Tiên Nguyên (Bắc Quang). Thực hiện chủ trương trên, nhân dân vùng Xín Chải cùng với nhân dân xã Lao Chải đã tích cực tham gia các đội dân quân du kích,  nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu với địch. Tuy nhiên, trong thời gian này, tại Lao Chải, trong đó có vùng Xín Chải có một số người theo phỉ. Trên cơ sở đó, Huyện ủy Vị Xuyên đã tiến hành điều tra tình hình ruộng đất của những người theo phỉ ở tại đây và báo cáo đầy đủ đến tỉnh để xin chủ trương.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy tại Nghị quyết số 55-NQ/HG, ngày 15/12/1952 về thi hành chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ, Lao Chải (trong đó có vùng Xín Chải) là một trong những địa bàn cần chấn chỉnh lại việc thi hành chính sách ruộng đất. Trước tình hình đó, Đảng bộ huyện Vị Xuyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm từng bước nâng cao nhận thức về việc thi hành chính sách ruộng đất tại đây.

Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU, ngày 12/11/1952 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thi đua phát triển chiến tranh du kích, phong trào thi đua lần này chỉ tập trung phát động ở những nơi có phỉ, đặc vụ. Hưởng ứng phong trào thi đua, nhân dân các dân tộc vùng Xín Chải đã cùng với nhân dân Lao Chải đã tích cực, hăng hái đăng ký tham gia các đội dân quân du kích.

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn mới. Đặc điểm nổi bật của tình hình lúc này là đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền: Ở miền Bắc, ngay sau khi hòa bình lập lại, nhân dân miền Bắc đã khẩn trương khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và tiến hành thực hiện các nhiệm vụ còn lại của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhằm tạo tiền đề đưa miền Bắc từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, lợi dụng sự thất bại và khó khăn của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã nhảy vào để thay chân Pháp, nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ.

Đối với địa bàn Lao Chải nói chung, vùng Xín Chải nói riêng, trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp cùng với nhân dân cả nước, tinh thần đấu tranh cách mạng, ý thức tự vươn lên của nhân dân Lao Chải, trong đó có vùng Xín Chải không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Nạn đói vẫn còn đe dọa, mặt bằng dân trí thấp. Hơn nữa, mặc dù miền Bắc đã được giải phóng hoàn toàn song các thế lực thù địch cũ và mới vẫn tiếp tục có những âm mưu chống phá cách mạng. Lợi dụng đặc thù của một huyện miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, nhiều tàn dư và hủ tục lạc hậu của chế độ cũ còn rơi rớt lại…Các phần tử chống phá cách mạng do địch cài cắm lại, chúng dùng nhiều thủ đoạn hoạt động nhằm gây mất đoàn kết và phá vỡ niềm tin của đồng bào ta với Đảng và Chính phủ. Do đó, làm nảy sinh không ít những khó khăn về công tác tư tưởng và công tác quản lý ở địa phương.

Xuất phát từ điều kiện thuận lợi và khó khăn trong tình hình mới, nhân dân vùng Xín Chải đã từng bước khắc phục khó khăn, chủ động bước vào xây dựng cuộc sống mới. Cũng trong thời gian này, nhằm đảm bảo tình hình trên địa bàn Lao Chải, tỉnh đã bố trí một trung đội bộ đội đóng quân tại đây. Cùng với đó, Tỉnh ủy đã đề ra chủ trương mở tuyến đường đi xã Thanh Thủy. Thực hiện chủ trương trên, dân công các xã Phương Thiện, Thanh Thủy, Lao Chải (trong đó có vùng Xín Chải) đã tích cực hưởng ứng tham gia với thời gian làm là 1 tháng. Các dụng cụ cần thiết mặc dù còn rất thô sơ như: Cuốc, xẻng, đồ dùng để phá đá…nhưng đã được nhân dân các xã chuẩn bị rất kỹ càng; quyết tâm hoàn thành chủ trương của cấp trên giao.

Thực hiện chủ trương giảm tô, cải cách ruộng đất. Đầu năm 1955, xã Lao Chải đã tiến hành việc giảm tô cho nhân dân và đến năm 1956 thì tiến hành cải cách ruộng đất, làm cho nhân dân trong xã hết sức phấn khởi. Là địa bàn có số lượng địa chủ, phú nông không còn nhiều nên việc thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất được tiến hành một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn so với các địa bàn khác. Đến năm 1958, việc giảm tô và cải cách dân chủ trên địa bàn xã được thực hiện tốt. Toàn xã đã công hữu hóa được 4 con trâu và một số ruộng đất của phú nông chia cho dân nghèo… Qua đó đã khích lệ tinh thần của nhân dân các dân tộc trong xã, làm cho nhân dân không những hăng say lao động sản xuất, mà còn củng cố thêm niềm tin ngày càng vững chắc của đồng bào đối với Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, do việc nhận thức và vận dụng chủ trương, chính sách của Đảng tại một số nơi trên địa bàn xã chưa phù hợp, còn cứng nhắc nên đã xảy ra tình trạng oan sai ở một số hộ dân, ảnh hưởng đến việc phát huy tinh thần đoàn kết của nhân dân trên địa bàn xã.

Thực hiện chính sách thuế nông nghiệp, xã Lao Chải nói chung, vùng Xín Chải nói riêng có ít dân tộc, lối sinh hoạt và tập quán có những nét riêng biệt, do đó để đồng bào nhận thức, hiểu và thực hiện đầy đủ chính sách thuế với Nhà nước là một điều không dễ dàng, đòi hỏi phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và kiên trì vận động, giải thích. Trên cơ sở đó, xã Lao Chải đã cử một số cán bộ tham gia lớp tập huấn cho cán bộ ủy ban xã, thôn, tổ sản xuất về nghiệp vụ công tác thuế và cách tuyên truyền, vận động đối với đồng bào do huyện Vị Xuyên mở. Sau khi các cán bộ học tập trở về, xã Lao Chải, trong đó có vùng Xín Chải đã tổ chức học tập, phổ biến rộng rãi về chính sách thuế của Nhà nước, để từ đó làm cho nhân dân hiểu và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Nhờ được tuyên truyền, vận động một cách cặn kẽ, đa số nhân dân trong xã đã thấy được nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc nộp thuế nông nghiệp; đồng thời thấy được sự ưu tiên của Đảng, Chính phủ trong chính sách thuế đối với đồng bào các dân tộc ở miền núi, qua đó thấy được tính ưu việt của chế độ mới xã hội chủ nghĩa, thấy được quyền làm chủ của mình.

Về công tác xây dựng chính quyền, năm 1959, Ủy ban hành chính xã Lao Chải được kiện toàn, do đồng chí Hoàng Văn Dằm làm Chủ tịch. Mặc dù trong điều kiện tình hình mới hết sức khó khăn nhưng Ủy ban hành chính xã Lao Chải đã phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Lao Chải nói chung, nhân dân vùng Xín Chải nói riêng tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản xuất, góp phần chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến.

Thực hiện công tác 3 thu vụ mùa năm 1959, đến ngày 15/01/1960 toàn tỉnh mới thu được 66% về thuế, 33% về thu thóc, 22% về thu nợ bằng thóc. Trong đó xã Lao Chải (gồm cả vùng Xín Chải) là một trong 8 xã huyện Vị Xuyên là đã căn bản hoàn thành việc thực hiện công tác 3 thu, còn đại đa số các xã còn thiếu, chưa thu được. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về tư tưởng của cán bộ đảng về công tác lương thực chưa được sâu sắc, chưa thấy hết vị trí của công tác lương thực.

Thực hiện chủ trương của Đảng về chấn chỉnh, nhận khuyết điểm và sửa sai trong thực hiện công tác cải cách ruộng đất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định sẽ mở đợt tập huấn về thực hiện công tác cải cách dân chủ ở tất cả các xã vùng thấp huyện Bắc Quang và một số xã ở huyện Vị Xuyên, trong đó có vùng Xín Chải, xã Lao Chải. Để công tác cải cách dân chủ được thực hiện đảm bảo, kịp thời chấn chỉnh những sai lầm còn tồn tại, xã Lao Chải đã cử một số cán bộ xã tham gia lớp tập huấn lần này do huyện Vị Xuyên tổ chức.

Thời gian này, trên địa bàn xã Lao Chải, trong đó có vùng Xín Chải đã xảy ra tình hình mất trật tự trị an. Một số tên như: Mã Hoàng Phín, Lũng Chu Phìn, Lẻng Cao Phùng, Cáo Sào... đã câu kết với bọn phỉ ở vùng Tống Quá Lìn và Thàng Tín, Ma Lù Thàng, huyện Hoàng Su Phì để ngấm ngầm hoạt động. Cùng với đó, xã Lao Chải, trong đó có vùng Xín Chải còn xảy ra tình trạng có một số dân Trung Quốc tự do di cư tại địa bàn xã. Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính xã Lao Chải đã khẩn trương thực hiện tốt công tác điều tra nắm tình hình, lên danh sách những người theo phỉ trên địa bàn xã để có phân loại cụ thể, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đồng thời thực hiện tốt công tác vận động, trao trả bên bạn số dân Trung Quốc chạy sang địa bàn xã.

Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) là phải thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đồng thời hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Thực hiện chủ trương của Đảng, Đảng bộ huyện Vị Xuyên đã đề ra nhiệm vụ cụ thể là: Tập trung mọi cố gắng để đẩy mạnh phát triển cây lương thực, phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi và nghề rừng. Chú trọng đúng mức đến phát triển công nghiệp, giao thông vận tải, kiến thiết cơ bản, thương nghiệp, tài chính, tiền tệ và phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục. Để có cơ sở vững chắc sản xuất nông nghiệp, phải củng cố hợp tác xã đã có, đồng thời tiến hành vững chắc việc mở rộng quy mô hợp lý đưa hợp tác xã lên bậc cao.

Bám sát chủ trương của Đảng, Ủy ban hành chính xã Lao Chải đã cụ thể hóa các chủ trương vào điều kiện cụ thể của địa phương; vận động nhân dân xã Lao Chải, trong đó có vùng Xín Chải tích cực thực hiện công tác xây dựng các tổ đổi công và xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Đến cuối năm 1961, đầu năm 1962, vùng Xín Chải, xã Lao Chải đã vận động được hơn 30% số hộ tham gia xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã và tổ đổi công đã bước đầu ổn định tình hình sản xuất, đồng thời từng bước khẳng định được ưu thế của việc sản xuất trong hợp tác xã mang lại năng suất và hiệu quả cao hơn so với các hộ ngoài hợp tác. Đời sống của các hộ xã viên từng bước được ổn định và phát triển. Tuy nhiên, phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp tại vùng Xín Chải, xã Lao Chải còn bộc lộ nhiều yếu kém, khuyết điểm như: Vận động xã viên tham gia còn gò ép, thiếu dân chủ, trình độ và năng lực quản lý thấp, không đáp ứng kịp với yêu cầu đề ra.

Về công tác giáo dục, tính đến tháng 9/1960, vùng Xín Chải nói riêng, xã Lao Chải nói chung là một trong những xã trắng chưa mở được trường học (phổ thông, vỡ lòng và mẫu giáo). Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TU, ngày 10/9/1960 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ phát triển giáo dục trong năm học 1960-1961, việc mở trường, lớp học trên địa bàn xã được bước đầu quan tâm.

Bước sang năm 1961, tình hình trật tự trị an trên địa bàn xã Lao Chải có những diễn biến phức tạp. Mặc dù lực lượng của ta đã bắt và diệt được một số phỉ trên địa bàn xã và các xã Tụ Nhân, Bản Máy... Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình cho thấy ở khu vực rừng núi trên địa bàn xã Lao Chải (trong đó có vùng Xín Chải) và các xã Thượng Sơn, Tân Tiến, Thèn Chu Phìn, xã Tụ Nhân, Bản Máy… vẫn còn có khoảng gần chục tên phỉ được trang bị vũ khí vẫn đang lẩn trốn. Trước tình hình trên, thi hành Chỉ thị số 02-CT/TW, ngày 23/4/1961 của Trung ương, tại địa bàn xã Lao Chải (trong đó có vùng Xín Chải), Huyện ủy Vị Xuyên đã cử cán bộ đến để tăng cường nắm bắt tình hình, đồng thời chỉ đạo Ủy ban hành chính xã Lao Chải có kế hoạch cụ thể, phối hợp với lực lượng dân quân, công an xã Lao Chải để theo dõi, nắm bắt, phát hiện kịp thời tình hình, diễn biến, chủ động đối phó với lực lượng phỉ và tích cực triển khai công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, vận động nhân dân vùng Xín Chải, xã Lao Chải tăng cường nêu cao tinh thần cảnh giác, theo dõi tình hình, tích cực tham gia chống phỉ. Nhờ việc đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân của Ủy ban hành chính xã Lao Chải, tại một số thôn trên địa bàn vùng Xín Chải, xã Lao Chải, nhân dân từ chỗ sợ phỉ, tiếp tế cho phỉ đã tích cực báo cáo tin tức cho ta và cùng ta đi diệt phỉ.

Cũng trong thời gian này, công tác vận động số dân Trung Quốc về nước, trao trả một số phần tử địch và trấn áp được một số phỉ ở vùng Xín Chải, xã Lao Chải và các xã Bản Máy, Tụ Nhân (Hoàng Su Phì) được đẩy mạnh và cơ bản hoàn thành.

Về giao thông, năm 1961, tuyến đường ngựa thồ từ Thanh Thủy - Lao Chải - huyện lỵ Hoàng Su Phì, đường từ Lao Chải - Bản Máy đã được mở để thuận lợi cho việc đi lại, tuần tra của dân quân và phục vụ công tác trị an biên giới. Hưởng ứng chủ trương trên, nhân dân các xã Thanh Thủy, vùng Xín Chải, xã Lao Chải đã tích cực tham gia đóng góp hàng ngàn ngày công để mở tuyến đường.

Về công tác phát triển Đảng, đến tháng 2/1961, Lao Chải là một trong 6 xã chưa có chi bộ (5 xã còn lại là: Cốc Pài, Chế Là, Thái An, Thượng Sơn, Tiên Nguyên). Trước tình hình đó, Đảng bộ huyện Vị Xuyên đã tăng cường công tác quan tâm chỉ đạo, bồi dưỡng và phát triển đảng viên trên địa bàn xã. Nhằm đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ở cơ sở để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV và kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) đã đề ra, căn cứ Điều lệ Đảng và xét thấy đủ điều kiện thành lập chi bộ, sau một thời gian chuẩn bị, đến cuối năm 1961, Chi bộ xã Lao Chải được thành lập. Đồng chí Vàng – Sán được chỉ định giữ chức vụ Bí thư chi bộ. Cùng với đó, Ủy ban hành chính xã tiếp tục được củng cố. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã Lao Chải cũng đã được thành lập.

Thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, bám sát sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Hà Giang: Ra sức phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, đoàn kết nhân dân các dân tộc, đưa tỉnh ta tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, tạo mọi điều kiện đưa vùng cao tiến kịp vùng thấp, vùng biên giới tiến lên kịp vùng nội địa; vùng hẻo lánh tiến dần lên kịp vùng tập trung; toàn tỉnh tiến kịp vùng xuôi, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, góp phần xây dựng Khu tự trị Việt Bắc giàu mạnh, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Dưới sự lãnh đạo Chi bộ xã Lao Chải, nhân dân xã Lao Chải nói chung, vùng Xín Chải nói riêng đã từng bước khắc phục điều kiện khó khăn của xã vùng sâu, vùng cao, phát huy tinh thần đoàn kết, tinh thần làm ăn tập thể, hỗ trợ nhau trong lao động sản xuất.

Cuối năm 1961, tiếp tục thực hiện cuộc vận động hợp tác hóa phát triển sản xuất kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ, Ủy ban hành chính xã Lao Chải đã tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động nhân dân vùng Xín Chải, xã Lao Chải tích cực tham gia phong trào hợp tác hóa phát triển sản xuất. Qua đó tư tưởng, nhận thức của nhân dân về việc phát triển kinh tế tập thể từng bước được nâng cao. Tháng 12/1961, trên địa bàn xã Lao Chải, trong đó có vùng Xín Chải đã xây dựng được một số hợp tác xã ở vùng chè. Các hợp tác xã ở vùng chè đã vừa tập trung phát triển cây chè, vừa phát triển cây lúa ở các khu ruộng bậc thang, trồng sắn, dong riềng, chăn nuôi. Bước đầu việc tổ chức lao động đã được thực hiện tốt, các hợp tác xã đều phấn đấu có thể sản xuất tự túc được lương thực, chăn nuôi đủ và có dư bán cho Nhà nước.

Như vậy, thời kỳ trước năm 1962, Xín Chải là vùng đất thuộc địa bàn xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ủy ban hành chính xã Lao Chải, Chi bộ xã Lao Chải, nhân dân vùng Xín Chải đã tích cực đi theo con đường cách mạng, đẩy mạnh lao động sản xuất, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, tiễu phỉ, cùng với nhân dân trong huyện khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Phần hai

XÃ XÍN CHẢI ĐƯỢC THÀNH LẬP - QUÁ TRÌNH ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC XÃ XÍN CHẢI DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG (1962-2015)

I. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chi bộ và nhân dân các dân tộc xã Xín Chải tiếp tục khôi phục kinh tế, ổn định đời sống, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, thực hiện nghĩa vụ hậu phương, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1962 - 1975)

Ngày 15/12/1962, thực hiện Quyết định số 211-CP của Hội đồng Chính phủ, xã Xín Chải được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Lao Chải (huyện Vị Xuyên) gồm 2 thôn: Nhìu Sang, Nậm Lầu. Cũng theo Quyết định này, thôn Tả Mù Cán, xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên) được sáp nhập vào xã Xín Chải. Như vậy, sau khi được thành lập, xã Xín Chải gồm 3 thôn: Nhìu Sang, Nậm Lầu và Tả Mù Cán. Sau khi chia tách về địa giới hành chính, Ủy ban hành chính xã Xín Chải được thành lập, ông Bồn Văn Chẩu được chỉ định giữ chức vụ Chủ tịch.

Tại thời điểm được thành lập, Xín Chải là địa bàn còn hết sức khó khăn. Giao thông, mọi hoạt động đi lại đến trung tâm xã và các thôn đều là đường mòn. Hoạt động sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, trình độ canh tác của người dân còn lạc hậu. Trong khi đó nạn đói, nạn mù chữ trên địa bàn xã còn khá phổ biến. Một số người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, ít được học hành, lại bị địch tuyên truyền, xuyên tạc nên chưa tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền xã.

Bước sang năm 1963, Chi bộ xã Xín Chải được thành lập gồm 4 đảng viên: Đồng chí Đặng Văn Thiểu, đồng chí Hoàng Văn Nhằm, đồng chí Đặng Văn Chấn, đồng chí Đặng Thị Cù. Đồng chí Đặng Văn Thiểu được chỉ định chức vụ Bí thư Chi bộ[3]. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc xã được thành lập và từng bước đi vào hoạt động. Mặt trận Tổ quốc xã do ông Hoàng Văn Dầu làm Chủ tịch. Đoàn Thanh niên xã do bà Đặng Thị Cù làm Bí thư Đoàn xã.

Bám sát sự chỉ đạo của Huyện ủy Vị Xuyên, cuối năm 1963, Chi bộ xã Xín Chải tổ chức Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 1963-1965) tại thôn Nhìu Sang. Dự Đại hội có 4 đảng viên. Đại hội bầu đồng chí Đặng Văn Thiểu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ: Mở rộng diện tích khai hoang, trồng các cây lương thực, thực phẩm và trồng chè. Phát triển chăn nuôi. Từng bước củng cố, xây dựng cơ sở vật chất. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền; củng cố, kiện toàn hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đã đề ra, Chi bộ xã Xín Chải đã lãnh đạo nhân dân xã đẩy mạnh sản xuất, phát triển các cây lương thực như: Lúa, ngô, sắn...; chú trọng việc phát triển cây chè. Bên cạnh đó, Chi bộ xã đã đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền nhân dân phát huy tinh thần làm ăn tập thể, hỗ trợ nhau trong lao động sản xuất, làm cho quần chúng hiểu rõ đây là cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh tư tưởng giữa cái cũ và cái mới; xây dựng hợp tác xã nông nghiệp là xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, góp phần từng bước nâng cao đời sống cho người dân ở nông thôn. Vì vậy nhiều hộ nông dân đều vui vẻ phấn khởi ra nhập hợp tác xã; đóng góp ruộng, nương, sức kéo vào hợp tác xã. Đến cuối năm 1963, hợp tác xã nông nghiệp Nhìu Sang được thành lập, đây là hợp tác xã đầu tiên trên địa bàn xã. Tuy nhiên, do công tác chỉ đạo, quản lý chưa được thường xuyên, việc sắp xếp lao động trong thời vụ chưa được chặt chẽ nên trong việc thu hái chè năm 1964 của hợp tác xã Nhìu Sang và một số hộ gia đình còn bị bỏ phí, chưa hái, tận thu nhiều diện tích chè[4].

Năm 1964, sau thất bại của chiến lược chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ và chư hầu đã ồ ạt đưa quân vào miền Nam tiến hành chiến tranh cục bộ đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, hòng làm cho mọi hoạt động sản xuất của ta bị tê liệt, tiềm lực quốc phòng bị giảm sút, làm lung lay ý chí chiến đấu, tinh thần đoàn kết của nhân dân ta, ngăn cản việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho tiền tuyến miền Nam ruột thịt. Trước tình hình khẩn trương của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và chuẩn bị đối phó với khả năng mở rộng chiến tranh phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Đảng bộ huyện Vị Xuyên đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 39 của Trung ương Đảng, mở rộng phong trào phòng gian bảo mật. Nhờ đó, ý thức cảnh giác và tinh thần sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu của nhân dân trên địa bàn huyện được nâng lên rõ rệt.

Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ ngày càng mở rộng chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc. Tháng 3 năm 1965, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 khoá III đã chỉ rõ: “Chống Mỹ cứu nước là nghĩa vụ thiêng liêng của cả dân tộc, của mỗi người dân Việt Nam yêu nước từ Bắc tới Nam, từ miền xuôi tới miền ngược”. Nhiệm vụ của miền Bắc lúc này là tiếp tục xây dựng miền Bắc, kết hợp xây dựng kinh tế với tăng cường quốc phòng, bảo vệ miền Bắc, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của địch. Ra sức động viên lực lượng của miền Bắc chi viện cho miền Nam.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Đảng bộ huyện Vị Xuyên đã chỉ đạo chuyển mọi hoạt động xây dựng kinh tế từ thời bình sang thời chiến, đẩy mạnh công tác phòng không sơ tán, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, tích cực xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang tại chỗ chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trước tình hình trên, xác định rõ Xín Chải là xã biên giới, giáp xã Thanh Thủy của huyện Vị Xuyên cũng như tỉnh Hà Giang, nơi có con đường vận chuyển chiến lược quốc lộ 2 đi qua[5], là một đầu mối tập kết, giải toả, vận chuyển hàng viện trợ của Trung Quốc. Do vậy, Chi bộ xã Xín Chải rất coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh đảm bảo yêu cầu sẵn sàng chiến đấu bảo vệ hậu phương và cung cấp nguồn bổ sung cho bộ đội chủ lực.

Xác định công tác giáo dục có ý nghĩa quan trọng, Chi bộ xã đã tích cực huy động con em trên địa bàn xã trong độ tuổi đến trường. Tại thời điểm này, con em các dân tộc trên địa bàn xã tham gia học tập tại trường học của xã Thanh Thủy. Từ năm 1965-1966, sau khi trường cấp I xã Lao Chải được thành lập, con em các dân tộc trên địa bàn xã tham gia học tập tại đây.

Trước tình hình an ninh chính trị khá phức tạp xảy ra, bọn đặc vụ, thổ phỉ và phản động vừa ngấm ngầm, vừa công khai hoạt động trên địa bàn xã. Chúng tuyên truyền nhân dân chống một số chính sách, chủ trương của Đảng như: Chống chính sách thuế, dân công, phá hoại sản xuất, chia rẽ dân tộc, làm cho một số dân vùng này chạy sang vùng khác. Chi bộ xã Xín Chải đã tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho nhân dân, để nhân dân hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và yên tâm, tin tưởng lao động sản xuất. Bên cạnh đó, lực lượng công an xã, xã đội xã được củng cố, kiện toàn. Đồng chí Hoàng Văn Sẩy được chỉ định giữ chức vụ trưởng công an xã. Đồng chí Hoàng Văn Dầu được chỉ định giữ chức vụ xã đội trưởng.

Trong điều kiện tình hình còn nhiều khó khăn nhưng Chi bộ xã rất chú trọng đến công tác xây dựng Chi bộ. Trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Chi bộ xã đã tổ chức quán triệt các chủ trương, văn bản của cấp ủy cấp trên đến cán bộ, đảng viên và bước đầu chú trọng việc phát triển Đảng từ quần chúng ưu tú thông qua thực tiễn hoạt động các phong trào thi đua lao động sản xuất do Mặt trận và các đoàn thể xã phát triển. Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên mới của Chi bộ chưa được triển khai mạnh mẽ.

Trong thời gian này, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã bước đầu đi vào hoạt động ổn định, thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện các phong trào thi đua. Toàn xã đã dấy lên không khí thi đua sôi nổi hưởng ứng các phong trào học tập và làm theo các tỉnh miền xuôi như: Phong trào “Gió đại phong” trong nông nghiệp; phong trào “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp; phong trào “Cờ Ba Nhất” trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ; phong trào “Tiếng trống Bắc Lý” trong giáo dục...

Cuối năm 1965, Chi bộ xã Xín Chải tổ chức Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 1965-1967). Tham dự Đại hội có 5 đảng viên. Đồng chí Đặng Văn Thiểu được bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ. Đại hội đánh giá công tác lãnh đạo của Chi bộ khóa I đồng thời đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho nhiệm kỳ mới là: Tăng cường sản xuất và sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, thâm canh, tăng năng suất và phát triển chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển cây lúa, ngô, chè; chú trọng thực hiện công tác quốc phòng và an ninh, công tác xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã.

Trong phát triển kinh tế, Chi bộ xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bỏ giống lúa dài ngày, năng suất thấp, thay thế giống lúa ngắn ngày, năng suất cao. Trong chăn nuôi, chú trọng tổ chức các đợt phòng, trừ dịch bệnh. Bên cạnh đó, Chi bộ xã tiếp tục chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể vận động tuyên truyền nhân dân khai hoang phục hóa, sửa chữa một số mương phai để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất lúa nước. Đối với một số diện tích đất ruộng khó khắc phục được tình trạng thiếu nước, do ở khu vực địa hình cao, chỉ trồng được một vụ lúa, Chi bộ xã đã chỉ đạo chuyển sang phát triển cây hoa màu như: Lạc, đậu tương…Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, năng suất lúa, ngô trên địa bàn xã đã có sự chuyển biến, năm 1966, năng suất lúa đạt 14 tạ/ha; năng suất ngô đạt 9 tạ/ha. Bình quân lương thực đầu người đạt 180 kg/người/năm.

Trong công tác phát triển hợp tác xã, cùng với việc tăng cường củng cố hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp Nhìu Sang, Chi bộ xã đã tăng cường công tác lãnh đạo, chuẩn bị cho việc thành lập hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng trên địa bàn xã.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn xã bước đầu đi vào hoạt động. Nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, đội văn nghệ quần chúng của xã đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm là sản xuất và chiến đấu, biểu diễn các tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, cổ vũ phong trào chiến đấu, lên đường giết giặc. Phong trào đã thu hút được lực lượng thanh niên tham gia.

Công tác xây dựng Chi bộ xã được quan tâm triển khai. Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên mới kết quả còn chưa có sự chuyển biến mạnh. Trong những năm 1965-1967, Chi bộ kết nạp được 2 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong Chi bộ là 7 đồng chí.

Trong công tác xây dựng chính quyền, tháng 11/1966, Ủy ban hành chính tỉnh Hà Giang tiến hành Hội nghị về việc xây dựng chính quyền xã giỏi toàn diện. Thực hiện chủ trương trên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, Chi bộ xã Xín Chải quyết tâm phấn đấu lãnh đạo xây dựng chính quyền xã đạt 5 tốt, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển sản xuất trên địa bàn xã.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ra sức thi đua lao động sản xuất, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, kết hợp với các cuộc vận động, thường xuyên phát động phong trào đấu tranh chống Mỹ và tay sai. Hội phụ nữ có phong trào "Ba đảm đang" (sản xuất, công tác thay nam giới đi chiến đấu; lo việc nhà để chồng con phục vụ trong quân đội; phục vụ chiến đấu và chiến đấu tại chỗ, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc)[6]. Đoàn thanh niên xã đẩy mạnh thực hiện phong trào "ba sẵn sàng" (sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu; sẵn sàng đi bất cứ nơi nào và làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần; sẵn sàng tòng quân, lên đường diệt Mỹ). Đội thiếu niên nhi đồng ở trường học được hướng vào các hoạt động phù hợp với lứa tuổi, đặc biệt là vận động thực hiện “5 điều Bác Hồ dạy”. Các cụ phụ lão với tinh thần “tuổi cao chí càng cao” với phong trào “3 tích cực” đã hoạt động mạnh mẽ hơn những năm trước trong việc ủng hộ bộ đội, động viên con cháu nhập ngũ và trồng cây tu bổ rừng…

Tháng 8/1967, Chi bộ xã Xín Chải tổ chức Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 1967-1969). Tham dự Đại hội có 7 đảng viên. Đại hội đã bầu chi ủy gồm 3 đồng chí. Đồng chí Đặng Văn Thiểu được bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ. Đại hội đã đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Chi bộ xã lần thứ II và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới: Tăng cường phát triển kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi; trong đó lấy sản xuất lương thực là chính. Tiếp tục củng cố, cải tiến quản lý hợp tác xã. Phát triển văn hoá, giáo dục, bảo đảm an ninh trật tự; động viên thanh niên lên đường chống Mỹ cứu nước. Thực hiện tốt công tác xây dựng Chi bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã.

Ngày 28/02/1968, Tỉnh ủy Hà Giang phát động phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất, công tác, học tập, củng cố hợp tác xã, thực hiện 3 cuộc cách mạng (Cách mạng quan hệ sản xuất; cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng tư tưởng văn hóa), đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng tinh thần cách mạng tiến công, chống chủ nghĩa cá nhân. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Vị Xuyên, Chi bộ xã Xín Chải đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia phong trào thi đua, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong lao động sản xuất. Đến năm 1968, năng suất lúa bình quân trên địa bàn xã đạt 15 tạ/ha, ngô đạt 9,5 tạ/ha. Bình quân lương thực đầu người hàng năm đã đạt 195kg/người. Ngoài sản xuất lương thực, các hợp tác xã và hộ xã viên còn tăng cường trồng các loại rau, đậu các loại, góp phần cải thiện đáng kể đời sống xã viên.

Đàn gia súc, gia cầm của các hợp tác xã và hộ gia đình phát triển mạnh, trở thành một ngành kinh tế chính trong nông nghiệp. Hàng năm, xã Xín Chải đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu mua thực phẩm cho Nhà nước.

Trong công tác quốc phòng, an ninh, lực lượng dân quân du kích xã thường xuyên luyện tập, sẵn sàng tham gia chiến đấu. Dân quân du kích xã được huấn luyện theo phương án chống gián điệp biệt kích và bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh kết hợp với huấn luyện tác chiến trị an.

Công tác xây dựng Chi bộ Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức được quan tâm. Tại các kỳ sinh hoạt Chi bộ, việc thực hiện tự phê bình và phê bình được đẩy mạnh. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và tiên phong của một số đảng viên trong Chi bộ chưa được phát huy. Trong những năm 1967-1969, công tác phát triển đảng viên mới của Chi bộ có bước phát triển mới, đã kết nạp được 2 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong Chi bộ là 9 đồng chí.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng không ngừng được củng cố về tổ chức và hoạt động; đã tích cực tuyên truyền vận động và tổ chức các phong trào thi đua chống Mỹ. Phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”  được phát động từ năm 1965 đã thu hút hàng trăm thanh niên, phụ nữ các dân tộc tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị như phát triển sản xuất, cải tiến quản lý hợp tác xã, làm thủy lợi, làm đường giao thông, tuyển quân, bảo vệ trị an...Trong năm 1968, Đoàn Thanh niên xã tổ chức Đại hội lần thứ III. Đồng chí Hoàng Văn Dầu được bầu giữ chức vụ Bí thư Đoàn xã.

Trong những tháng cuối năm 1967, đầu năm 1968, nhân dân các dân tộc xã Xín Chải cũng như nhân dân miền Bắc luôn tích cực dồn sức chi viện cho miền Nam tổng tiến công và nổi dậy. Nhằm đáp ứng yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam tiếp tục tiến công và nổi dậy, ngày 15 tháng 5 năm 1968, Hội đồng Chính Phủ quyết định tiến hành tuyển quân đợt 4 năm 1968 trên phạm vi toàn miền Bắc. Nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến trở nên cấp bách. Đảng bộ Vị Xuyên đã phát động trong toàn Đảng, toàn dân thực hiện lời dạy của Bác hồ: “31 triệu đồng bào ta phải là 31 triệu dũng sỹ diệt Mỹ” và lời hiệu triệu của Ủy ban dân tộc giải phóng miền Nam: “Hãy thừa thắng xông lên, tiếp tục tấn công và nổi dậy, tiêu diệt đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đến hang ổ cuối cùng”. Hưởng ứng chủ trương trên, Chi bộ xã Xín Chải đã tiến hành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn xã, quán triệt tinh thần quyết tâm chống đế quốc Mỹ của Trung ương Đảng. Qua việc quán triệt, học tập, triển khai chủ trương đường lối của Đảng, phong trào thi đua chống Mỹ, cứu nước diễn ra sôi nổi, gắn liền việc xây dựng, củng cố hợp tác xã với việc sản xuất nhằm ổn định đời sống của nhân dân, hoàn thành nghĩa vụ lương thực, thực phẩm đối với Nhà nước. Các thôn triển khai việc đào hầm hào tránh bom đạn, bảo đảm tính mạng cho nhân dân yên tâm lao động sản xuất, củng cố lực lượng dân quân tự vệ sẵn sàng trực chiến phòng không, phát huy vai trò xung kích lực lượng vũ trang trong sản xuất và chiến đấu.

Tháng 11/1968, trước những thắng lợi to lớn của quân và dân ta ở hai miền Nam, Bắc, Chính phủ Mỹ buộc phải chấm dứt hoàn toàn việc ném bom, bắn phá chống Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước anh dũng tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Người nêu lên nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân ta lúc này là: “Nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc… Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”[7]. Phát huy tinh thần cách mạng, Chi bộ xã Xín Chải tiếp tục quan tâm lãnh đạo nhân dân xã tích cực lao động sản xuất, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tháng 1/1969, Chi bộ xã Xín Chải đã tổ chức Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 1969-1971). Tham dự Đại hội có 9 đảng viên. Đại hội đã bầu chi ủy gồm 3 đồng chí, đồng chí Đặng Văn Thiểu được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ. Đại hội đánh giá kết quả chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Chi bộ và đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian tới là: Đẩy mạnh sản xuất lương thực, chăn nuôi và nghề rừng nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện tốt công tác giáo dục, văn hóa. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, kiện toàn tổ chức chính quyền, củng cố các đoàn thể quần chúng, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, bảo vệ trật tự trị an.

Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Chi bộ xã lần thứ IV, việc phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Năm 1969, do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lớn đã xảy ra cuốn trôi, ngập và làm hư hỏng nhiều diện tích lúa, hoa màu trên địa bàn xã. Đời sống nhân dân gặp khó khăn. Cùng với đó, bọn phản động lợi dụng xuyên tạc gieo rắc tâm lý mê tín dị đoan trong quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó, Chi bộ, chính quyền xã đã kịp thời chỉ đạo nhân dân khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau và đề xuất sự hỗ trợ của cấp trên về lương thực, qua đó nhân dân đã từng bước được ổn định đời sống. Từ năm 1970 - 1971, diện tích cây trồng và sản lượng thu hoạch trên địa bàn xã đã bước đầu đi vào ổn định. Bình quân lương thực đầu người đạt 215kg/người/năm.

Trong thực hiện công tác giáo dục, Chi bộ đã chỉ đạo chính quyền, đoàn thể xã quan tâm đẩy mạnh việc huy động trẻ trong độ tuổi đến trường. Đời sống văn hóa mới từng bước được hình thành. Việc tuyên truyền, vận động nhân dân giảm bớt các hủ tục trong cưới xin, ma chay được đẩy mạnh, qua đó góp phần đẩy lùi các hủ tục trong đời sống của nhân dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi. Đây là nguồn cổ vũ động viên tinh thần nhân dân hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, động viên thanh niên tham gia dân quân tự vệ ở địa phương và sẵn sàng lên đường nhập ngũ…

Giữa lúc nhân dân cả nước đang nỗ lực khôi phục kinh tế ở miền Bắc và đẩy mạnh kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam; nhân dân trong toàn xã đang ra sức khắc phục hậu quả của trận lũ lụt lớn để ổn định đời sống nhân dân thì ngày 2 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta đã ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhân dân ta. Chi bộ, chính quyền xã Xín Chải đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu Bác tại trụ sở xã. Nhân dân xã Xín Chải cùng đồng bào cả nước đã để tang Bác trong 7 ngày.

Biến đau thương thành hành động cách mạng, Chi bộ và nhân dân các dân tộc xã Xín Chải đã thể hiện sự quyết tâm, mở đợt sinh hoạt chính trị, học tập và làm theo “Di chúc” của Bác. Thông qua đợt học tập chính trị này, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đã nhận thức rõ tác phong, đạo đức, cuộc đời và sự nghiệp lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên, đoàn viên thanh niên, tạo ra khí thế thi đua lao động sản xuất sôi nổi trong cán bộ đảng viên và quần chúng.

Trong những năm 1969-1971, Mặt trận Tổ quốc xã đã tích cực vận động nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương. Các cụ phụ lão gương mẫu, động viên, giáo dục con cháu sẵn sàng lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Thanh niên giữ vai trò tích cực, luôn gương mẫu trong phong trào lao động sản xuất, làm thủy lợi, làm phân xanh, làm đường giao thông, cải tiến công cụ sản xuất… góp phần quan trọng để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Tháng 11/1970, Hội Phụ nữ xã đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phụ nữ thời gian qua đồng thời đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra, Hội Phụ nữ xã đã tuyên truyền, vận động hội viên đẩy mạnh việc cấy, chú ý làm cỏ, sục bùn cho lúa; phát động làm thêm giờ; chuẩn bị tốt cho vụ xuân 1970-1971; hoàn thành công tác ba thu…

Công tác xây dựng Chi bộ xã được quan tâm. Cuộc vận động “xây dựng chi bộ 4 tốt” được Chi bộ thực hiện tốt. Chi bộ đã chỉ đạo các thôn quan tâm, theo dõi, giúp đỡ những quần chúng ưu tú, tích cực bồi dưỡng giới thiệu cho Đảng để kết nạp.

Bước sang năm 1972, Chi bộ xã Xín Chải tiến hành Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 1972-1974). Tham dự Đại hội có 11 đảng viên. Đại hội đã đánh giá những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, khai thác thế mạnh từ tài nguyên rừng, phát triển chăn nuôi để bổ sung sức kéo, phân bón cho sản xuất và cung cấp thực phẩm cho nhân dân; vận động thanh niên lên đường nhập ngũ; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương; tiếp tục phát huy những thành tích đạt được trong giáo dục, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Đại hội đã bầu chi ủy gồm 3 đồng chí, đồng chí Đặng Văn Thiểu được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ.

 Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ V đề ra, Chi bộ đã chỉ đạo Ủy ban hành chính, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã tiếp tục phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, khắc phục khó khăn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước.

Trong những năm 1972-1974, được các cán bộ chuyên môn của huyện xuống chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng; mở rộng diện tích, gieo trồng hết diện tích lúa, ngô và các loại hoa màu; đảm bảo thuỷ lợi, sử dụng phân bón, gieo trồng đúng thời vụ. Vì vậy năng suất lúa tăng lên rõ rệt. Năng suất lúa đạt 16,5 tạ/ha, năng suất ngô đạt 11 tạ/ha. Bình quân lương thực đầu người đạt 220kg/người/năm.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TU, ngày 12 tháng 7 năm 1973 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc củng cố phát triển hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất. Sau khi phát hiện những thiếu sót trong quá trình thực hiện trên, Chi bộ xã đã nghiêm khắc tự kiểm điểm sự lãnh đạo đối với các hợp tác xã do chưa sâu sát, thiếu sự tuyên truyền giáo dục thường xuyên. Tại Đại hội xã viên tháng 11 năm 1973, Ban quản lý hợp tác xã nghiêm khắc tự phê bình và đề ra những biện pháp thực hiện sản xuất và phương án làm ăn mới hợp lý hơn. Được xã viên cùng bàn bạc dân chủ, do đó tình hình sản xuất ở xã đã có chuyển biến mới. Bên cạnh đó, Chi bộ xã xác định nhiệm vụ củng cố hợp tác xã là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, Chi bộ xã hết sức chú trọng nhằm phát huy hết hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Năm 1973, hợp tác xã mua bán xã được thành lập và đi vào hoạt động đã phục vụ đầy đủ nhu cầu cải thiện đời sống của xã viên, thực hiện việc trao đổi hàng hóa giữa nông dân và Nhà nước.

Chi bộ xã đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 208 của Ban Bí thư về tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý nông nghiệp theo hướng đi lên sản xuất lớn XHCN. Ủy ban Hành chính xã và các đoàn thể đã cử cán bộ xuống các hợp tác xã để hỗ trợ lập Kế hoạch tổ chức lại sản xuất, phân vùng trồng cây lương thực, cây công nghiệp, tích cực thâm canh tăng vụ để đạt năng suất cao. Với sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm cao Đảng bộ, chính quyền, trong các năm 1972-1974 nhân dân các dân tộc xã Xín Chải đã thực hiện vượt mức chỉ tiêu kế hoạch giao về diện tích, năng suất, sản lượng nông nghiệp. Năm 1974, giống mới đạt trên 40% diện tích, lúa mùa đạt trên 70%; diện tích ngô vượt 8% (do gieo trồng trên những chân ruộng thiếu nước).

Năm 1973 tình hình trị an trên tuyến biên giới có nhiều diễn biến phức tạp, ở xã Xín Chải cùng nhiều xã dọc biên giới khác, những phần tử xấu từ bên Trung Quốc lén lút sang cư trú trái phép trên đất ta, một số vùng xâm canh, xâm cư không giải quyết được. Trước tình hình trên cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ huy quân sự xã, công an xã phối hợp cùng với công an huyện, lực lượng biên phòng triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường các biện pháp giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc; kịp thời điều tra, truy tố những ổ trộm cắp, buôn lậu.

Công tác xây dựng Chi bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã được quan tâm. Trong công tác xây dựng Đảng, Chi bộ xã đã tiếp tục chú trọng phát triển đảng viên mới. Trong những năm 1972-1974, Chi bộ xã đã kết nạp được 2 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong Chi bộ là 13 đồng chí.

Nhằm rút kinh nghiệm chỉ đạo các phong trào thi đua của quần chúng, cuối năm 1973 xã Xín Chải tổng kết thành tích trong 8 năm chống Mỹ cứu nước (1965 - 1972), hàng chục thanh niên, phụ nữ đạt danh hiệu “Thanh niên 3 sẵn sàng”, "Phụ nữ 3 đảm đang". Thi đua sản xuất, lúa, ngô, khoai sắn... và các phong trào khác.

Sau thất bại của chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, ngày 27/1/1973 đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đế quốc Mỹ cam kết rút quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam. Hiệp định Pa-ri được ký kết đánh dấu thắng lợi rực rỡ của cách mạng nước ta. Hòa bình trở lại miền Bắc, cách mạng miền Nam chuyển sang bước ngoặt lịch sử mới; so sánh lực lượng của cách mạng đã lớn mạnh hơn hẳn lực lượng phản cách mạng. Cuộc chiến đấu của nhân dân ta còn gian khổ nhưng thắng lợi đã cận kề.

Tháng 4 năm 1974, Chi bộ xã Xín Chải tiến hành Đại hội lần thứ VI (nhiệm kỳ 1974-1976). Tham dự Đại hội có 13 đảng viên. Đại hội đã đánh giá những kết quả đã đạt được và đề ra phương hướng, nhiệm vụ: Phát triển kinh tế xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, kiện toàn và củng cố quan hệ sản xuất, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, giữ vững trật tự trị an, chi viện cho cách mạng miền Nam đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Đồng chí Đặng Văn Thiểu được bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ.

Năm 1974 sản xuất nông lâm nghiệp của xã Xín Chải tiếp tục được phát triển. Toàn xã đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất, cần, kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chi bộ Xín Chải còn tập trung chỉ đạo nhân dân xã tăng cường các biện pháp kĩ thuật, thâm canh tăng năng suất, mở rộng diện tích đất canh tác. Trong hai năm 1974 - 1975, nhiều phai, đập tiếp tục được tu sửa và đưa vào sử dụng.

Phát huy đặc điểm thế mạnh của địa phương, ngành chăn nuôi đang trên đà phát triển lên thành ngành sản xuất chính. Chi bộ Xín Chải luôn chỉ đạo chặt chẽ và khuyến khích việc kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, chú trọng chăn nuôi tập thể gắn với chăn nuôi gia đình. Đến năm 1975, tổng số đàn trâu trên địa bàn xã tăng với 65 con, đàn lợn 80 con, đàn dê 70 con. Số lượng đàn gia cầm phát triển chậm hơn, do trên địa bàn xã đã xảy ra dịch bệnh.

Về lĩnh vực lâm nghiệp, Chi bộ và Ủy ban hành chính xã Xín Chải chỉ đạo triển khai tuyên truyền Pháp lệnh bảo vệ rừng. Đồng thời, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, hạn chế hiện tượng đốt nương, làm rẫy.

Công tác lưu thông phân phối hàng hóa dần đi vào nề nếp. Toàn xã có một hợp tác xã mua bán để phục vụ cho nhân dân trong xã với các mặt hàng thiết yếu như (dầu, muối, vải). Công tác tài chính tín dụng được xã thường xuyên quan tâm.

Đường giao thông liên thôn được chi bộ quan tâm, chỉ đạo. Chính quyền, đoàn thể xã tổ chức phát động các phong trào thi đua tới toàn dân để tu sửa, làm mới một số tuyến đường liên thôn bằng đường mòn. Việc đi lại của nhân dân giữa các thôn được thuận lợi. Cùng với đó, công tác giáo dục được quan tâm triển khai, toàn xã có 25 học sinh tham gia theo học tại trường học xã Thanh Thủy.

Trong công tác xây dựng Đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên trong Chi bộ được đặc biệt coi trọng. Chi bộ đã nghiêm túc lãnh đạo thực hiện cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên, đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng theo Nghị quyết số 195-NQ/TW và Chỉ thị số 192-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Về công tác phát triển đảng viên mới, Chi bộ xã Xín Chải đã tiến hành kết nạp được 1 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong Chi bộ là 14 đồng chí.

Ủy ban hành chính xã ngày càng được củng cố về tổ chức và năng lực quản lý, điều hành; đảm bảo tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hội đồng nhân dân xã tổ chức họp 6 tháng 1 lần, ra Nghị quyết lãnh đạo về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo trật tự trị an. Nhiều năm liên tục Ủy ban hành chính xã Xín Chải đều được đánh giá “Chính quyền vững mạnh”. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các đoàn thể, động viên nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.

Trong công tác quốc phòng - an ninh, Chi bộ đã quan tâm lãnh đạo công tác xây dựng lực lượng dân quân du kích, thường xuyên tập luyện bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ nghiệp vụ với tinh thần cảnh giác cao, chủ động sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết, giữ vững trật tự an toàn xã hội ở địa phương, tuyên truyền vận động thanh niên lên đường nhập ngũ. Đến năm 1975, lực lượng dân quân của xã chiếm trên 10% dân số. Lực lượng dân quân xã cũng thường xuyên tổ chức lao động xã hội chủ nghĩa nhân dịp ngày thương binh liệt sĩ, ngày sinh nhật Bác...

Bước vào năm 1975, tin chiến thắng trên chiến trường Miền Nam liên tiếp được phát trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam. Qua đó đã cổ vũ, động viên tinh thần của mỗi người dân cả nước, trong đó có nhân dân các dân tộc xã Xín Chải; những ngày này, các phong trào thi đua lao động sản xuất càng thêm sôi nổi, hào hứng. Chi bộ xã Xín Chải càng quyết tâm hơn trong việc chỉ đạo nhân dân khẩn trương tận dụng mọi thời gian, tích cực lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết của Chi bộ đã đề ra.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã mở ra bước ngoặt lịch sử có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Có thể khẳng định, trong hơn 10 năm (1962 - 1975) thực hiện các nhiệm vụ trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp của Chi bộ xã Xín Chải, trên địa bàn xã đã có hàng chục người con lên đường nhập ngũ tham gia chiến trường miền Nam, góp phần đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; trong đó, trên địa bàn xã có 4 liệt sỹ hy sinh trên chiến trường, đó là các đồng chí Bồn Văn Bằn, Đặng Văn Đài, Đặng Văn Nằng, Đặng Văn Đành. Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Xín Chải luôn trân trọng, biết ơn sự hy sinh anh dũng của các đồng chí.

II. Chi bộ xã Xín Chải lãnh đạo nhân dân xã đẩy mạnh phát triển nông - lâm nghiệp, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần bảo vệ biên cương của Tổ quốc (1975-1986)

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, kết thúc 30 năm kháng chiến chống quân xâm lược, trong đó có 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu n­ước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Từ đây, đất nư­ớc ta, dân tộc ta bư­ớc sang một thời kỳ lịch sử mới - thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nư­ớc.

Đất n­ước thống nhất và đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội là nguồn cổ vũ, động viên vô cùng to lớn đối với toàn dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào các dân tộc Hà Giang nói riêng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Để đáp ứng đư­ợc tình hình và nhiệm vụ mới của đất n­ước, ngày 25/9/1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) ra Nghị quyết số 245-NQ/TW “Về việc bỏ khu, hợp tỉnh”. Căn cứ vào Hiến pháp n­ước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, tại kỳ họp thứ 2 - Quốc hội nư­ớc Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày 27/12/1975) quyết định giải thể các Khu tự trị và hợp nhất một số tỉnh, trong đó tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang đ­ược hợp nhất thành tỉnh Hà Tuyên, trụ sở làm việc đóng tại thị xã Hà Giang.

Bước sang năm 1976, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976-1980), bên cạnh những thuận lợi về nhân lực, tiềm năng đất đai; xã Xín Chải còn có những khó khăn riêng: Cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ sản xuất hạn chế. Kinh tế chậm phát triển, nguyên nhân do chưa đầu tư thâm canh, hệ số sử dụng đất thấp. Khâu quản lý hợp tác xã còn lỏng lẻo, hạch toán ăn chia thiếu công bằng, dẫn đến công lao động thấp; tình trạng đói giáp hạt vẫn xảy ra; trên địa bàn xã đã xảy ra tình trạng một số hộ xã viên không mặn mà với hợp tác xã mà lên rừng khai phá làm lúa nương, trồng sắn riêng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên nhiệt tình công tác, nhưng trình độ thấp.

Ngày 25 tháng 4 năm 1976, cùng với đồng bào cả nước, nhân dân xã Xín Chải nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khoá VI (Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất) và đại biểu HĐND các cấp.

Tháng 7/1976, Chi bộ xã Xín Chải tổ chức Đại hội lần thứ VII (nhiệm kỳ 1976-1978). Tham dự Đại hội có 14 đảng viên. Đại hội đã bầu đồng chí Đặng Văn Thiểu làm Bí thư Chi bộ xã; đồng chí Lý Văn Bằn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã được bầu giữ chức vụ Phó bí thư Chi bộ. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới là: Tập trung phát triển nông nghiệp một cách toàn diện. Đẩy mạnh trồng lúa và ngô, khoai sắn phát huy thế mạnh của các loại cây công nghiệp, mở rộng diện tích trồng chè. Phát huy vai trò lãnh đạo của Chi bộ, sự quản lý, điều hành của chính quyền và công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, nhân dân các dân tộc xã Xín Chải đã hăng hái thi đua khai hoang, phục hóa, thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đư­a giống mới có năng suất cao vào sản xuất, đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Năm 1977, năng suất lúa bình quân đạt 19 tạ/ha, ngô 11,5 tạ/ha. Ngoài ra nhân dân còn tích cực trồng các cây rau, đậu các loại.

 Chăn nuôi đ­ược chú trọng phát triển ở cả tập thể và hộ gia đình; tính đến tháng 12/1978 toàn xã có 70 con trâu; 110 con lợn; 80 con dê. Trong đó đối với các hợp tác xã đã xây dựng đư­ợc quy ­ước cấm thả rông gia súc để bảo vệ ruộng đồng, hoa màu và tận dụng đư­ợc nguồn phân bón phục vụ sản xuất. Về lâm nghiệp, toàn xã có nhiều diện tích là đất trống đồi núi trọc; Chi bộ xã đã chỉ đạo đẩy mạnh việc trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn, lở đất.

Ngành tiểu thủ công nghiệp được chú ý phát triển với nhiều ngành nghề như rèn, mộc, đan lát, chế biến chè... Tuy nhiên quy mô sản xuất ngành nghề còn nhỏ bé. Ngành thương nghiệp đã bảo đảm các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân như dầu, muối, vải, giấy vở học sinh, thuốc chữa bệnh. Công tác thu mua lương thực và thực phẩm, nông sản tăng trưởng đáng kể. Nhân dân các dân tộc tự giác thực hiện nghĩa vụ đóng góp đối với Nhà nước.

Trong giai đoạn (1976-1978) công tác giáo dục phát triển mạnh, học sinh trên địa bàn xã tiếp tục tham gia theo học tại trường xã Thanh Thủy. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cho con em trong độ tuổi đi học đến trường được đẩy mạnh triển khai.

Về tình hình quốc phòng – an ninh, từ cuối năm 1977 bọn phản động gây tình hình căng thẳng. Tại biên giới huyện Vị Xuyên, phía Trung Quốc tổ chức xâm canh lấn đất, di rời cột mốc, rải truyền đơn xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng ta. Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU, ngày 3/02/1977 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, Chi bộ xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong lao động, sản xuất. Chi bộ xã cũng chỉ đạo lực lượng công an xã tiến hành rà soát những trường hợp người dân xã lấy chồng, vợ là người nước ngoài (Trung Quốc); vượt biên trái phép...

Trong công tác xây dựng Đảng, Chi bộ xã đã chú trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ đảng viên trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm 1977-1978, Chi bộ đã nghiêm túc triển khai thực hiện Thông tri số 22-TT/TW, ngày 05/9/1977 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về củng cố các tổ chức cơ sở đảng, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên và Chỉ thị số 83-CT/TW, ngày 26/11/1979 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc phát thẻ đảng viên. Qua đó, ý thức tu dưỡng, rèn luyện và việc phê bình, tự phê bình trong Chi bộ từng bước được nâng cao. Chi bộ xã cũng đã tiến hành rà soát nhưng không có đảng viên nào vi phạm phải đưa một số đảng viên ra khỏi Đảng. Thực hiện công tác phát triển đảng viên mới, Chi bộ đã kết nạp được 4 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong Chi bộ là 18 đồng chí. Trong giai đoạn này, Chi bộ xã đã luân phiên cử nhiều cán bộ đảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị ở trường Đảng của tỉnh và học bổ túc văn hóa; góp phần làm cho cán bộ đảng viên nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực công tác.

Tháng 5/1977, nhân dân các dân tộc xã Xín Chải tham gia cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp (tỉnh, huyện, xã); lựa chọn những đại biểu tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Sau bầu cử, hoạt động của hội đồng nhân dân xã có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động của Ủy ban nhân dân xã cũng từng bước đi vào nền nếp hơn.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... thường xuyên được củng cố về tổ chức, hoạt động có nề nếp. Năm 1977, ông Lý Văn Kéng được chỉ định giữ chức Chủ tịch Mặt trận thay ông Hoàng Văn Dầu. Trong những năm 1976-1978, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã đã tích cực động viên các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ của quần chúng trong việc thực hiện 3 cuộc cách mạng ở nông thôn; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1978, Đại hội Chi bộ xã lần thứ VIII (nhiệm kỳ 1978-1980) được tổ chức. Tham dự Đại hội có 18 đảng viên. Đại hội đã bầu ra đồng chí Đặng Văn Thiểu, Bí thư Chi bộ. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới: Phát triển nông nghiệp một cách toàn diện. Đẩy mạnh phát triển kinh tế vư­ờn rừng, mở rộng diện tích cây chè. Phát triển chăn nuôi tập thể và hộ gia đình. Tăng cư­ờng củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội

Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Chi bộ xã có nhiều khó khăn. Năm 1978 tình hình biên giới tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu. Lực lượng vũ trang phía bên kia tăng cường gây áp lực quân sự với các hoạt động gián điệp, lấn chiếm, khiêu khích vũ trang. Họ cố tình gây sự kiện “người Hoa”, dụ dỗ, lôi kéo Hoa kiều về nước, vu khống Việt Nam “bài xích, xua đuổi, khủng bố người Hoa”, nhiều người Hoa nhẹ dạ đã bị bọn phản động lừa gạt bán tài sản đưa cả gia đình về bên kia biên giới. Tháng 10 năm 1978, họ tổ chức đẩy người Hoa trở lại Việt Nam, trong đó có một số người được giao nhiệm vụ hoạt động phá hoại ta về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trước tình hình đó, Chi bộ, chính quyền xã Xín Chải đã quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo công tác quân sự địa phương trong tình hình mới, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Trong phát triển kinh tế, Chi bộ xã Xín Chải đã tích cực thực hiện công cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh củng cố, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tránh để tâm lý, tư tưởng hoang mang trong nhân dân. Cũng trong thời kỳ này, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Chi bộ, nhân dân xã Xín Chải đã đóng góp hàng trăm ngày công đào hầm, đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm giúp đỡ các đơn vị bộ đội mới đóng quân trên địa bàn xã.

Từ cuối năm 1978, tình hình an ninh chính trị biên giới trở nên phức tạp hơn do chính sách thù địch của Trung Quốc đối với nhân dân ta. Lực lượng vũ trang Trung Quốc áp sát dần biên giới, tình trạng xâm canh xâm cư, khiêu khích lấn chiếm xảy ra ngày càng căng thẳng. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Hà Tuyên, Chi bộ Xín Chải đã lãnh đạo nhân dân chuyển mọi hoạt động từ thời bình thường sang thời kỳ vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đồng thời đề ra các biện pháp tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao sức chiến đấu của dân quân tự vệ, chuẩn bị phương án đánh địch.

Thi hành Quyết định số 21-QĐ/TW, ngày 17/6/1978 của Bộ Chính trị, Trung ­ương Đảng và Quyết định số 389-QĐ/TU, ngày 1/8/1978 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tuyên “Về việc thành lập Bộ Chỉ huy quân sự thống nhất tỉnh, huyện, thị xã và thị trấn trong toàn tỉnh”, Ban Chỉ huy quân sự xã Xín Chải đ­ược thành lập gồm 3 đồng chí. Ban Chỉ huy Quân sự xã do đồng chí Hoàng Văn Dầu làm xã đội trưởng. Sau khi được thành lập, Ban Chỉ huy Quân sự xã đã tổ chức các đợt học tập, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết về quốc phòng - an ninh của Đảng và Chính phủ đến nhân dân trên địa bàn xã, để nhân dân xã hiểu rõ âm mưu thủ đoạn của bọn phản động Trung Quốc, ra sức chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi sắp xảy ra.

Ngày 31/12/1978, Quân khu II ra lệnh báo động chiến đấu khẩn cấp. Trước tình hình đó, ngày 03/01/1979, Ban Th­ường vụ Tỉnh uỷ Hà Tuyên họp Hội nghị bất thường nghe báo cáo tình hình biên giới, đề ra chủ trư­ơng và biện pháp tăng cường công tác sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện uỷ Vị Xuyên, Chi bộ xã Xín Chải đã tập trung lãnh, chỉ đạo nhân dân trong xã tăng cường công tác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân trên địa bàn xã. Lực lượng dân quân xã được củng cố và tăng cường cả lực lượng và vũ khí trang thiết bị gồm các loại súng tiểu liên AK, K44... đồng thời được huấn luyện khẩn tr­ương về kỹ năng sử dụng các loại vũ khí trang bị và kỹ thuật tác chiến, sẵn sàng tham gia chiến đấu khi có tình huống xảy ra.      

Thực hiện Mệnh lệnh chiến đấu số 107/MLCĐ, ngày 13/02/1979 của Tư lệnh quân khu II, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên đã ra lệnh cho các lực lượng ở tuyến một sẵn sàng đối phó với các hoạt động quấy rối, phá hoại và lấn chiếm của địch. Xã Xín Chải và các xã biên giới của huyện Vị Xuyên luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Chi bộ xã Xín Chải đã triển khai thực hiện chủ trương của cấp trên, động viên nhân dân sẵn sàng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu với tinh thần “tất cả nam, nữ thanh niên trong độ tuổi và những người không còn trong độ tuổi nhưng tự nguyện đều được bố trí tham gia vào lực lượng dân quân và được trang bị vũ khí”.  Cùng với đó, Chi bộ, chính quyền xã Xín Chải đã chuyển mọi hoạt động ở địa phương vào thời chiến với nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Thời kỳ này, xã Xín Chải cùng với các xã Thanh Thủy, Thanh Đức, Thanh Hương, Lao Chải được một đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ huyện phụ trách với nhiệm vụ cụ thể là động viên, tổ chức nhân dân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, thực hiện vũ trang toàn dân (tất cả nam, nữ thanh niên trong độ tuổi và những người dân không còn trong độ tuổi nhưng tự nguyện đều được vào dân quân và được trang bị vũ khí); tổ chức lực lượng thành ba bộ phận: lực lượng chiến đấu, lực lượng phục vụ chiến đấu, lực lượng sơ tán bảo vệ nhân dân.

Sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc sử dụng 60 vạn quân, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, nhiều súng cối… đồng loạt mở cuộc tấn công suốt dọc tuyến biên giới phía Bắc từ Quảng Ninh đến Lai Châu. Tại tuyến biên giới Hà Tuyên, chúng sử dụng 2 sư­ đoàn tấn công vào toàn tuyến biên giới của tỉnh, tại huyện Vị Xuyên chúng tấn công vào nhiều nơi như­ Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải... Trong tình hình đó lực lượng dân quân xã đã được huy động tập trung sẵn sàng chiến đấu, đợi lệnh chi viện cho tuyến trước.

Ngày 23 tháng 02 năm 1979, tiểu đoàn 3 (trung đoàn 122) chủ động tiến công địch co cụm ở điểm cao 1800A, 1800B diệt hàng chục tên. Ngày 01 tháng 3 năm 1979 dân quân và công an vũ trang đồn Thanh Thủy đã chiến đấu dũng cảm đánh lui các đợt tiến công của một tiểu đoàn địch.

Tháng 3 năm 1979, thực hiện lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, lực lượng dân quân của xã được tăng cường bổ sung, nâng tổng số dân quân lên 120 đồng chí. Xã đã huy động dân công trong độ tuổi từ 18 đến 45 tham gia hàng ngàn ngày công để xây dựng công sự và phục vụ chiến đấu. Dư­ới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện uỷ và Ban chỉ huy Quân sự huyện, Ban chỉ huy Quân sự xã Xín Chải xây dựng và củng cố các lực lư­ợng, sẵn sàng chiến đấu; triển khai xây dựng hậu cứ, đào hào, hầm, công sự; mở đường giao thông phục vụ chiến đấu; rà soát các loại đối tượng chính trị, tăng cường công tác bảo vệ trật tự trị an.

Trước đòn giáng trả quyết liệt của quân và dân ta và sự lên án mạnh mẽ của dư luận thế giới, ngày 18/3/1979 Trung Quốc phải tuyên bố rút quân, song họ vẫn duy trì lực lượng lớn quân sự ở biên giới, tiếp tục gây tình hình căng thẳng với âm mưu cơ bản lâu dài là làm suy yếu Việt Nam bằng chiến lược lấn chiếm biên giới và kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt. Địch sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt nhằm phá hoại ta trên tất cả các mặt: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội, dùng chiến tranh tâm lý chống phá ta cả về tư tưởng, tổ chức. Tại biên giới huyện Vị Xuyên, địch truyền đơn và loa phát thanh cỡ lớn tuyên truyền xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, gieo rắc tâm lý hoang mang trong cán bộ đảng viên; tăng cường hoạt động thám báo, biệt kích nhằm giết hại cán bộ, bộ đội, móc nối mua chuộc các phần tử phản động cũ, nhen nhóm tổ chức phản động, gây bạo loạn.

Tình hình chiến sự ác liệt ở biên giới, Chi bộ xã đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc dồn hết sức người, sức của cho việc xây dựng tuyến phòng thủ biên giới. Do vậy, các mục tiêu chính của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (1976 - 1980) của các xã biên giới nói chung, trong đó có xã Xín Chải nói riêng đã không hoàn thành.

Tháng 9/1979, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) được tiến hành đã bàn về những vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách. Hội nghị đã nhận định nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp, chỉ tiêu, cách làm trước đây do Đảng ta đề ra còn mang tính chủ quan nóng vội, thiếu căn cứ thực tiễn, trên cơ sở đó đề ra một số giải pháp nhằm điều chỉnh chủ trương, chính sách như: Thừa nhận sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần; nới lỏng cơ chế quản lý tập trung trong các hợp tác xã, khuyến khích các hộ xã viên cá thể tận dụng ruộng đất, ao hồ, đất bỏ hoang đưa vào sản xuất… Tiếp đó, ngày 12/10/1980, Ban Bí thư Trung ương ra Thông báo số 22 cho phép các địa phương làm thử hình thức khoán sản phẩm đối với cây lúa. Sau đó, khoán sản phẩm cho xã viên được triển khai rộng rãi ở tất cả loại hình hợp tác xã.

Bám sát chủ trương đã đề ra, Chi bộ xã Xín Chải đã chỉ đạo việc tổ chức lại sản xuất, chú ý tới các chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, khuyến khích người lao động. Tích cực mở rộng diện tích bằng cách khai hoang, phục hóa, tăng vụ nhằm tăng nhanh diện tích và sản lượng trong nông nghiệp. Đến năm 1980, bình quân lương thực đạt 240kg/người/năm. Việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước được thực hiện tốt.

Như vậy, trong những năm đầu đất nước vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Xín Chải cũng như các địa phương trên địa bàn huyện, tỉnh còn rất nhiều khó khăn, nhất là việc khắc phục những hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài để lại. Mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong những năm 1975-1978, nhưng từ năm 1979, địa bàn xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên là một trong những địa bàn bị đánh phá, nhân dân trong xã phải dồn sức đẩy mạnh sản xuất, tiếp tục đẩy mạnh chi viện sức người, sức của phục vụ cho cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, các mục tiêu góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1976-1980) của xã cơ bản chưa hoàn thành. Song với tinh thần khắc phục khó khăn, Chi bộ và nhân dân xã Xín Chải đã tích cực vươn lên cùng với nhân dân các địa phương khác trên địa bàn huyện, tỉnh góp phần xây dựng cơ sở vật chất cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngày 13/1/1981 Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW về “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp. Theo đó, hợp tác xã chuyển từ lao động tập thể sang giao ruộng đất về cho nhóm và hộ xã viên canh tác theo kế hoạch của hợp tác xã. Chi bộ xã đã chỉ đạo tiếp tục củng cố, cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp; thực hiện cơ chế khoán đến nhóm và người lao động, khuyến khích lao động cá thể. Cuối năm 1981, Ủy ban nhân dân xã chọn hai đội sản xuất để làm điểm thực hiện đầy đủ các bước khoán; sau đó tổng kết rút kinh nghiệm về chính sách khoán; tiến hành nhân rộng ra tất cả các hợp tác xã. Chỉ thị 100 được nông dân phấn khởi đón nhận, tạo ra khí thế mới trong lao động sản xuất, ngăn chặn sự sa sút của hợp tác xã nông nghiệp.

Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Chi bộ xã, các hợp tác xã đã khẩn trương tổ chức hình thức khoán phù hợp với điều kiện cụ thể, tiến hành đo đạc ruộng đất sau đó khoán cho từng hộ gia đình; xác định rõ hộ gia đình là đơn vị kinh tế chủ đạo. Sau khi được giao khoán, các hộ gia đình đã phát huy tinh thần tự chủ, tận dụng đất đai, đầu tư phân bón để nâng cao năng suất cây trồng. Năm 1983, sản lượng lương thực quy thóc toàn xã tăng lên, đời sống người dân từng bước được cải thiện, nghĩa vụ đối với Nhà nước được hoàn thành. Bên cạnh kết quả bước đầu đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Một số hộ gia đình còn chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhận khoán với hợp tác xã; nộp sản phẩm cho hợp tác xã không đủ…

Thực hiện công tác xây dựng Đảng, Chi bộ xã đã tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên trong Chi bộ. Thường xuyên tổ chức quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ cấp trên. Việc thực hiện tự phê bình và phê bình đối với đảng viên được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể xã không ngừng được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tháng 2 năm 1981, Đại hội Chi bộ xã lần thứ IX (nhiệm kỳ 1981-1983) được triệu tập. Đại hội đã bầu ra đồng chí Lý Văn Bằn giữ chức vụ Bí thư Chi bộ. Đại hội đã kiểm điểm đánh giá thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII để rút ra những kinh nghiệm lãnh đạo trên các lĩnh vực và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong những năm 1981-1984: Tiếp tục lãnh đạo nhân dân triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IV) về cải tiến công tác khoán và mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển văn hóa, xã hội; tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội…

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đã đề ra, đến cuối năm 1983 tất cả các hợp tác xã đều đã thực hiện khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Theo cơ chế khoán này, hộ xã viên được làm chủ 3 khâu (gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch), các khâu còn lại do hợp tác xã đảm nhiệm. Thời gian đầu, cơ chế khoán đã kích thích các hộ nông dân đầu tư, chăm sóc, thâm canh để thu phần sản phẩm vượt khoán. Nhờ chuyển đổi phương pháp quản lý và giao khoán sản phẩm trong các hợp tác xã, sản xuất nông nghiệp giai đoạn 1981-1983 có bước phát triển mới. Các loại giống lúa, ngô mới được đưa vào gieo trồng đã cho năng suất cao. Diện tích, năng suất, sản lượng cây, con tăng lên đáng kể; kinh tế hộ gia đình bắt đầu phát triển.

Trong những năm (1981-1983) mặc dù phải tập trung cho nhiệm vụ phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới, các ngành sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủ công nghiệp, giao thông, giáo dục đều có bước phát triển khá. Năm 1983 toàn xã gieo trồng đư­ợc hàng trăm ha lúa, ngô, đậu t­ương; rau xanh các loại. Trong phát triển chăn nuôi, nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đàn gia súc gia cầm tiếp tục phát triển. Năm 1983 đàn trâu có 120 con, đàn lợn có 150 con, đàn dê có 140 con. Đàn gia cầm được phát triển.

Lĩnh vực lâm nghiệp được quan tâm, thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 21/1/1983 về việc giao đất, giao rừng cho hộ nông dân, Chi bộ xã đã chỉ đạo triển khai việc giao đất, giao rừng cho từng hộ nông dân. Tổ chức khoán gọn cho các hộ xã viên trong thực hiện trồng cây lâm nghiệp trên các diện tích đất trống đồi núi trọc. Công tác giao đất, giao rừng cho các hộ dân quản lý được thực hiện tốt, đã hạn chế được tình trạng phá rừng làm nương, rẫy, bảo vệ rừng đầu nguồn.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có nhiều đổi mới. Hàng năm tỷ lệ trẻ em đến trường được nâng cao. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ăn, ở hợp vệ sinh, phòng, chống các dịch bệnh lây lan… được đẩy mạnh triển khai.

Thực hiện Chỉ thị 72 của Trung ương Đảng, Chỉ thị của Huyện ủy Vị Xuyên về tổ chức tốt đời sống văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa, Chi bộ xã đã chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể nhân dân tuyên truyền, vận động nhân dân không làm ma to, cưới xin tốn kém, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan… Mặc dù bước đầu đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên chưa có sự chuyển biến lớn.

Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Nhân dịp các ngày kỷ niệm của địa phương, đất nước, các ngày lễ, tết, xã đã chú trọng tổ chức một số cuộc giao lưu văn nghệ. Hoạt động thể thao tại các thôn diễn ra sôi nổi.

Công tác quốc phòng, an ninh thường xuyên được củng cố. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp, quy chế an ninh trật tự được chấp hành thực hiện nghiêm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội xã được chú trọng. Việc chấn chỉnh, kiện toàn Ban Chủ nhiệm hợp tác xã và một số cán bộ được thực hiện phù hợp với việc quản lý kinh tế.

Bên cạnh đó, công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ các đoàn thể xã được quan tâm. Năm 1982, Hội phụ nữ xã tổ chức Đại hội lần thứ VI. Bà Đặng Thị Cù được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội.

Ngày 14 tháng 5 năm 1981, Hội đồng Chính phủ ra quyết định giải thể xã Thanh Hương và sáp nhập các xóm của xã Thanh Hương vào các xã cùng huyện như: Xóm Nặm Tẳm và Nặm Lạn vào xã Thanh Đức; xóm Cù Dè Phùng sáp nhập vào xã Xín Chải. Cùng với đó, xóm Tả Ván của xã Lao Chải được sáp nhập vào xã Xín Chải. Việc điều chuyển địa giới hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí thế trận quốc phòng - an ninh ở các xã biên giới, đáp ứng yêu cầu chiến tranh trước mắt và lâu dài.

Tháng 10 năm 1984, phía Trung Quốc tiến hành bắn phá vào thôn Cù Dè Phùng, Tả Ván của xã Xín Chải, làm 3 người dân thiệt mạng và một số ngôi nhà của hộ dân bị tàn phá. Trước tình hình đó, đã có nhiều hộ dân sơ tán về một số xã của huyện Bắc Mê. Đầu năm 1985, thực hiện chủ trương của huyện về việc sơ tán, các hộ dân của xã Xín Chải đã được tiến hành sơ tán về thôn Làng Mô thuộc xã Bạch Ngọc (nay là xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên)[8]. Do phải sơ tán, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn, nhân dân xã Xín Chải đã được bà con nhân dân sở tại giúp đỡ về lương thực, thực phẩm và từng bước ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, Chi bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã được sơ tán đến đây đã nhanh chóng ổn định, đi vào hoạt động, tiếp tục lãnh đạo, vận động tuyên truyền nhân dân khắc phục khó khăn, vừa sản xuất vừa phục vụ chiến đấu.

Trong giai đoạn này, do phải tập trung nhân lực cho nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Cùng với việc chỉ đạo thâm canh ngô, lúa, Chi bộ đã chỉ đạo, động viên nhân dân tích cực khai hoang, phục hoá, làm thêm nương bậc thang.

Cuối năm 1985, Đại hội Chi bộ xã lần thứ X (nhiệm kỳ 1985-1987) được tổ chức. Đại hội đã bầu ra đồng chí Lý Văn Bằn Bí thư Chi bộ xã. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới: Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là các cây lương thực thực phẩm; tích cực thâm canh tăng vụ; phát triển văn hóa, giáo dục; chú trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể…

Năm 1985 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1981-1985), cũng là năm địch đánh phá dữ dội vào nhiều cao điểm và các vùng cận biên giới, gây nhiều thiệt hại về người và của cho nhân dân trong huyện. Trước tình hình đó, Đảng bộ huyện Vị Xuyên đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống cách mạng, khắc phục khó khăn, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh trả kẻ thù, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Quán triệt chủ trương trên, do đặc thù tại thời điểm này địa bàn nhân dân xã phải đi sơ tán nhiều nơi tại các xã trên địa bàn huyện. Khắc phục khó khăn trên, trong sản xuất nông nghiệp, Chi bộ xã lãnh đạo nhân dân mở rộng sản xuất theo hướng vừa thâm canh tăng vụ, vừa khai hoang phục hóa, với phương châm mở rộng diện tích đến đâu, làm thủy lợi đến đó để đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất.

Về an ninh, quốc phòng, Chi bộ xã đã chỉ đạo việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là lực lượng thanh niên tham gia xây dựng, củng cố tuyến phòng thủ biên giới. Lực lượng dân quân, công an xã được củng cố, phối hợp tuần tra canh gác bảo đảm về an ninh chính trị.

Công xây dựng Chi bộ xã về chính trị, tư tưởng và tổ chức được quan tâm. Các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên được chi bộ triển khai kịp thời đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Cùng với đó Chi bộ đã thường xuyên kiểm tra, giám sát đảng viên thực hiện nhiệm vụ được giao, qua đó uốn nắn, giáo dục cho đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp phần xây dựng chi bộ xã trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, trong điều kiện hết sức khó khăn, công tác phát triển đảng của Chi bộ chưa được đẩy mạnh triển khai. Trong những năm 1983-1985, Chi bộ xã không kết nạp được đảng viên mới.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng có thể khẳng định, trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1976-1986), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ xã, nhân dân các dân tộc xã Xín Chải đã giành được những thắng lợi to lớn: Vừa đẩy mạnh sản xuất vừa phục vụ chiến đấu, nâng cao năng suất lao động; cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ lương thực, thực phẩm cho Nhà nước. Huy động tối đa sức người, sức của cho việc xây dựng tuyến phòng thủ biên giới; góp phần đánh thắng chiến tranh lấn chiếm biên giới và kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc. Chi bộ, chính quyền, các đoàn thể quần chúng xã Xín Chải từng bước được củng cố về tổ chức và cán bộ, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành; tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là những điều kiện thuận lợi để Chi bộ và nhân dân trong xã có đủ khả năng bước tiếp những chặng đường mới trong thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội.

III- Chi bộ Đảng xã Xín Chải lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xã hội trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới (1986-2000)

Sau 10 năm (1975 - 1985) thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả n­ước dư­ới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, cải biến đ­ược một phần cơ cấu của nền kinh tế - xã hội. Song, bên cạnh đó, chúng ta đang còn gặp rất nhiều khó khăn và khuyết điểm. Sai lầm về tổng điều chỉnh giá - l­ương -  tiền cuối năm 1985 đã đ­ưa nền kinh tế của đất n­ước đến những khó khăn mới. Kinh tế - xã hội nước ta lâm vào khủng hoảng ngày càng trầm trọng, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn, thiếu thốn, niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng và Nhà nư­ớc bị suy giảm mạnh. Tình hình đó đặt ra cho Đảng ta nhiệm vụ vô cùng nặng nề và bức thiết.

Trong bối cảnh lịch sử ấy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Đại hội tiến hành họp từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 12 năm 1986 tại thủ đô Hà Nội. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội đã khẳng định những thành tựu, đồng thời kiểm điểm sâu sắc những sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội trong những năm qua. Đại hội đã chỉ rõ khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, là khuynh hướng buông lỏng quản lý kinh tế - xã hội. Đại hội đã tổng kết 5 bài học và đề ra đường lối đổi mới, coi đổi mới là sự nghiệp sống còn của cách mạng n­ước ta.

Tháng 9/1987 Chi bộ xã Xín Chải tổ chức Đại hội lần thứ XI (nhiệm kỳ 1987-1989) tại xã Bạch Ngọc. Đại hội đã bầu 3 đồng chí trong chi ủy. Đồng chí Lý Văn Bằn được bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ. Đại hội đã thảo luận, đánh giá kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo của Chi bộ trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời, Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 1987 - 1989 là: Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, tập trung mọi sức lực cho phát triển nông nghiệp trọng tâm là lương thực, thực phẩm, từng bước hoàn thiện cơ cấu kinh tế, bảo đảm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu về ăn, ở, mặc, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đã đề ra và bước vào thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Chi bộ xã Xín Chải đã mở đợt sinh hoạt chính trị quán triệt đường lối đổi mới của Đảng tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền và các đoàn thể quần chúng; nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả hoạt động của chính quyền và khả năng tổ chức vận động quần chúng của các đoàn thể.

Trong những năm 1987-1989 tuy chiến sự trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung đã bớt căng thẳng, nhưng tại biên giới thuộc huyện Vị Xuyên, chiến sự vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới quá trình ổn định đời sống, khôi phục và phát triển sản xuất. Trước âm mưu và thủ đoạn của kẻ địch, được sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy cấp trên, Chi bộ xã Xín Chải xác định rõ là phải tiếp tục xây dựng, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Đối với nhiệm vụ sản xuất, mặc dù trong hoàn cảnh sơ tán hết sức khó khăn nhưng Chi bộ xã đã lãnh đạo nhân dân khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, trồng các cây lương thực thực phẩm, như: Lúa, ngô, rau, đậu, lạc... để phục vụ sản xuất và đáp ứng nhu cầu chi viện theo nghĩa vụ Nhà nước giao.

Từ ngày 6 đến 8 tháng 10 năm 1987, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ II (khoá IV) đã ra Nghị quyết 05-NQ/TU về thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng. Thực hiện chủ trương của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, Chi bộ xã Xín Chải đã chỉ đạo nhân dân trong xã đổi mới từng bước cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày vào chân ruộng một vụ. Hàng năm, đồng bào các dân tộc trong xã đã thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước đảm bảo theo chỉ tiêu đề ra.

Qua 6 năm (1981-1987) thực hiện cơ chế khoán theo Chỉ thị số 100-CT/TW, sản xuất tuy phát triển nhưng tốc độ còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu chung, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Nhằm khắc phục những hạn chế trong thực hiện khoán 100, hoàn thiện cơ chế quản lý nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, ngày 5/4/1988 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp còn gọi là khoán 10, đổi mới hoàn toàn phương thức quản lý sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết 10 thực sự “cởi trói” cho nông dân, quan điểm của Đảng là nhất quán, lâu dài, hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, được giao đất, yên tâm sản xuất.

Bước sang vụ đông xuân năm 1988, Chi bộ xã đã chỉ đạo tiến hành khoán 10 đến nhân dân xã, qua đó đã tạo ra động lực mới cho người nông dân, các hộ nông dân đã chủ động thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, các hợp tác xã cũng đổi mới hoạt động cho phù hợp với tình hình mới; tập trung giải quyết vai trò trung gian, cung ứng vật tư, giống cây trồng, phân bón… cho sản xuất của xã viên. Cùng với đó việc phát triển chăn nuôi đàn gia súc, nhất là gia cầm được chú trọng.

Trước tình hình chiến sự ở biên giới vẫn chưa chấm dứt, thiên tai vẫn diễn ra liên tiếp, đặc biệt là năm 1987 lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh xảy ra đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. Do đó, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế không đạt theo kế hoạch đã đề ra. Lĩnh vực tiểu, thủ công nghiệp hoạt động còn nhỏ bé, manh mún, mới chỉ duy trì hoạt động sản xuất ở những cơ sở đã có từ trước như: rèn cuốc, dao, lưỡi cày phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; nghề dệt vải truyền thống... chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân địa phương.

Lĩnh vực giáo dục trong thời gian này gặp nhiều khó khăn. Chi bộ xã đã tập trung chỉ đạo duy trì sĩ số học sinh đến trường. Số lượng trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non được duy trì, tuy nhiên tỷ lệ còn thấp.

Hoạt động văn hóa thông tin trong giai đoạn này có nhiều cố gắng, nhất là tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tuyên truyền phục vụ bầu cử hội đồng nhân dân huyện, xã năm 1987. Công tác hướng dẫn nhân dân phòng, ngừa dịch bệnh và công tác dân số kế hoạch hóa gia đình có những chuyển biến tích cực.

Trong công tác xây dựng Đảng, Chi bộ xã đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng viên, các tổ chức Đảng. Công tác phát triển Đảng được quan tâm. Chi bộ xã đã lựa chọn, xem xét và bồi dưỡng những quần chúng ưu tú được tôi luyện trong hoạt động thực tiễn để kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Chi bộ xã đã tổ chức nhận xét, đánh giá, xếp loại đảng viên một cách nghiêm túc. Trong những năm 1987-1989, Chi bộ xã đã quan tâm việc phát triển Đảng.

Các tổ chức đoàn thể được củng cố một bước. Nhiều phong trào của các đoàn thể được phát động đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và triển khai thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực xây dựng đời sống văn hóa mới. Đoàn thanh niên xã có phong trào tình nguyện nhập ngũ, tham gia dân quân tự vệ, làm đường giao thông.

Sau 2 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xã Xín Chải đã bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực, đời sống nhân dân bước đầu được cải thiện, đó là sự cố gắng phấn đấu của toàn Chi bộ và nhân dân trong xã. Tuy nhiên Chi bộ và nhân dân xã Xín Chải luôn xác định phải nỗ lực hơn nữa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của huyện, tỉnh và Trung ương để đưa xã Xín Chải từng bước phát triển hơn.

Tháng 12/1989, Chi bộ xã Xín Chải tổ chức Đại hội lần thứ XII (nhiệm kỳ 1989-1991) tại xã Bạch Ngọc. Đại hội đã bầu 3 đồng chí trong chi ủy. Đồng chí Lý Văn Bằn được bầu làm Bí thư Chi bộ xã. Đại hội đã đánh giá thực chất công tác lãnh đạo trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã trong những năm 1987-1989, đề ra phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 1989 -1991 là: Đẩy mạnh công tác vận động nhân dân thực hiện tốt công tác khai hoang, phục hóa đất đai đảm bảo cho việc sản xuất nông nghiệp phát triển; tiếp tục đẩy mạnh công tác giữ gìn trật tự an ninh, quốc phòng.

Năm 1990, quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Trung Quốc được tái lập, các cửa khẩu hữu nghị được mở lại. Tuy nhiên “Diễn biến hoà bình “do chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch phát động diễn ra ngày càng phức tạp với sự sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Công cuộc đổi mới của Đảng và nhân dân ta đã dành được thắng lợi bước đầu rất quan trọng, song trước những khó khăn thiếu thốn về vốn và những khó khăn mới nẩy sinh, nền kinh tế xã hội nước ta chưa thoát khỏi khủng hoảng. Chính trị ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, nhưng những nhân tố gây mất ổn định chưa được loại trừ.

Cũng tại thời điểm này, thực hiện chủ trương của Đảng bộ huyện về việc đưa nhân dân trở lại biên giới ổn định sản xuất và định cư, Chi bộ, chính quyền và các đoàn thể của xã đã phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương, các cấp, các ngành tiến hành vận động nhân dân về quê cũ cư trú và khôi phục lại sản xuất; củng cố hệ thống chính trị và lực lượng dân quân thôn, bản. Đến cuối năm 1991 xã Xín Chải đã vận động được 45 hộ, 230 khẩu từ huyện Bắc Mê và thôn Làng Mô, xã Bạch Ngọc trở về quê cũ...

Sau khi hồi hương, hoạt động của Chi bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã đã sớm đi vào ổn định. Khắc phục những khó khăn bước đầu, Chi bộ xã xác định nhiệm vụ trọng tâm lúc này là lãnh đạo nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, tập trung khai hoang phục hóa, phát triển cây lúa, ngô, chè; phát triển chăn nuôi trâu, bò và một số loại gia cầm. Đồng thời từng bước củng cố, xây dựng cơ sở vật chất trên địa bàn xã. Tại thời điểm này, cùng với việc huy động sức dân khai hoang phục hóa đất đai, xã cũng đã nhận được hỗ trợ của cấp trên, bộ đội đã giúp dân rà phá bom mìn, vật cản để nhân dân yên tâm, lao động sản xuất.

Tháng 9/1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng được tổ chức, đã khẳng định tiếp tục con đường đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đại hội lần thứ VI của Đảng đã khởi xướng. Đại hội đã thảo luận và thông qua hai văn kiện quan trọng là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” và “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000”.

Cuối năm 1991, Chi bộ xã Xín Chải tổ chức Đại hội chi bộ xã lần thứ XIII, (nhiệm kỳ 1991-1994). Tham dự Đại hội có 24 đảng viên. Đồng chí Lý Văn Bằn được bầu là Bí thư Chi bộ xã; đồng chí Đặng Văn Đàm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã được bầu giữ chức vụ Phó bí thư Chi bộ. Đại hội đã đánh giá kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới là: Cải thiện một bước đời sống nhân dân, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Chi bộ Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Chi bộ xã đã chỉ đạo phấn đấu đảm bảo lương thực đủ ăn có phần dự trữ và bán ra thị trường. Yêu cầu đầu tiên là tăng năng suất lao động, tăng diện tích gieo trồng, thâm canh, tăng vụ, đầu tư phân bón, thủy lợi, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới năng suất cao vào gieo trồng. Chi bộ xã đã lãnh đạo chính quyền triển khai thực hiện việc điều chỉnh và giao khoán cho hộ xã viên chủ động thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích đất canh tác, đưa hệ số sử dụng đất lên 1,4 lần; chủ động áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất. Năm 1992 là năm xã thực hiện thí điểm đưa giống lúa mới vào sản xuất, lúc đầu gặp không ít khó khăn do nhân dân vẫn quen với tập quán canh tác truyền thống; giống mới đòi hỏi đầu tư lớn, kỹ thuật chăm sóc phức tạp, vì vậy hiệu quả chưa cao, dân chúng chưa đồng tình. Nhưng nhờ có sự quyết tâm của Chi bộ và sự giúp đỡ của phòng nông nghiệp huyện, sang năm 1993 đã áp dụng thành công giống mới.

Chi bộ xã đã chỉ đạo nhân dân thâm canh tăng vụ, làm tốt công tác thủy lợi, tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất. Ngoài việc phát triển trồng ngô, lúa, các hộ xã viên còn mở rộng trồng một số cây hoa màu, cây công nghiệp khác. Với những nỗ lực, những biện pháp thực hiện cụ thể của Chi bộ và nhân dân các dân tộc trong toàn xã, sản xuất nông nghiệp trong 5 năm (1991-1994) đã có bước phát triển, tổng sản lượng lương thực năm 1994 tăng so với năm 1991 là 8%.

Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm được quan tâm, Chi bộ xã chỉ đạo phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó việc sản xuất theo qui mô hộ gia đình là chủ yếu, tập trung vào vật nuôi có giá trị cao. Công tác phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được tích cực triển khai thực hiện. Số lượng đàn trâu, bò, lợn, dê, ngựa và gia cầm khác đều phát triển khá tốt và bắt đầu có xu hướng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Tổng đàn gia súc (trâu, bò, ngựa, lợn, dê) năm 1994 trên địa bàn xã đạt 750 con; đàn gia cầm với tổng số trên 800 con.

Về lâm nghiệp, thực hiện chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, Chi bộ đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện đẩy mạnh giao đất, giao rừng để các hộ nông dân chủ động sản xuất trên mảnh đất, khu rừng được giao. Đồng thời phát động nhân dân đẩy mạnh trồng cây gây rừng. Do vậy, diện tích trồng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng được tăng lên nhanh chóng. Nạn phá rừng làm nương đã được ngăn chặn, rừng tự nhiên đã được tái sinh, đất trống đồi trọc dần được phủ xanh.

Mặc dù trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn xã trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu như: Tuyên truyền, vận động nhân dân ăn, ở hợp vệ sinh; phòng chống sốt rét, dịch bệnh.... nhưng còn nhiều hạn chế; do xã chưa có trạm xá xã, người dân chủ yếu thực hiện công tác khám, chữa bệnh ở trạm xá xã Lao Chải, Thanh Đức hoặc bệnh viện huyện lỵ Vị Xuyên. Đến cuối năm 1992, xã Xín Chải (huyện Vị Xuyên) vẫn là xã “trắng” về y tế, không có cán bộ y tế và nhà trạm. Trước tình hình đó, Chi bộ đã đề xuất cấp trên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc chuẩn bị thành lập trạm y tế xã.

Thực hiện công tác quốc phòng - an ninh, Chi bộ xã đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tăng cường xây dựng và củng cố lực lượng dân quân tự vệ, công an viên, tổ an ninh thôn bản để giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Thời kỳ này, Công an xã do đồng chí Đặng Văn Đồng làm Trưởng công an xã. Ban Chỉ huy Quân sự xã do đồng chí Lý Văn Cuổng giữ chức vụ xã đội trưởng. Lực lượng công an, quân sự xã đã tích cực tuyên truyền, phát động phòng trào quần chúng bảo vệ an ninh, phòng chống các tệ nạn xã hội. Vì vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã luôn được ổn định và giữ vững. Hàng năm, Chi bộ chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyển chọn thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự đảm bảo chất lượng và số lượng theo kế hoạch được giao.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Chi bộ đã từng bước xây dựng cơ sở Đảng vững mạnh về tư tưởng và tổ chức, lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị đề ra. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, năm 1991 Chi bộ có 24 đảng viên, năm 1994 có 27 đảng viên. Bên cạnh kết quả đã đạt được, Chi bộ đã thẳng thắn thừa nhận một số hạn chế đó là chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa cao, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa mạnh dạn; công tác phát triển đảng viên còn chậm chưa được đào tạo, bồi dưỡng…  

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã được củng cố, kiện toàn. Mặt trận Tổ quốc xã do đồng chí Hoàng Văn Dầu giữ chức Chủ tịch. Hội phụ nữ xã do đồng chí Đặng Thị Cù làm chủ tịch. Hội Nông dân xã do đồng chí Đặng Văn Thái làm Chủ tịch. Đoàn Thanh niên xã do đồng chí Triệu Thanh Bình giữ chức Bí thư Đoàn. Trong những năm 1991-1994, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội được thực hiện tương đối tốt, đã phát huy được vai trò, hiệu quả hoạt động đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong gia đình và xã hội, thực hành tiết kiệm, không làm ma to, thách cuới. Triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, trẻ em suy sinh dưỡng và bỏ học; vận động thanh niên tích cực tham gia tuyển quân hàng năm… Tuy nhiên, hoạt động trong một số phong trào còn chưa đủ mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra.

Tháng 5/1994 Chi bộ xã Xín Chải đã tiến hành Đại hội lần thứ XIV (nhiệm kỳ 1994-1996). Tham dự Đại hội có 27 đảng viên. Đại hội bầu 3 đồng chí trong chi ủy. Đồng chí Lý Văn Bằn được bầu giữ chức vụ Bí thư chi bộ. Trên cơ sở kiểm điểm, phân tích đánh giá những hạn chế của nhiệm kỳ trước, Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới, củng cố chính quyền và các đoàn thể quần chúng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Dưới sự chỉ đạo của Chi bộ, nhân dân xã đã đẩy mạnh áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đưa giống mới vào đồng ruộng. Hệ thống thủy lợi của xã thường xuyên nâng cấp, tu bổ, huy động được sự tham gia của nhân dân. Diện tích và sản lượng tăng đều, năm sau cao hơn năm trước. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã được xác định rõ, bước đầu đã có những mô hình sản xuất hàng hoá, có nhiều hộ nông dân làm ăn khá, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn xã đã được xây dựng mới. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Công tác giáo dục trong những năm 1994-1996 trên địa bàn xã có sự phát triển rõ rệt. Trước yêu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục và được sự quan tâm của Đảng bộ tỉnh, huyện Vị Xuyên, ngày 28/5/1995, trường cấp I xã Xín Chải được thành lập. Đây là trường học đầu tiên trên địa bàn xã được thành lập, do thầy Nguyễn Hồng Hà làm hiệu trưởng. Tại thời điểm mới thành lập, cơ sở vật chất của trường còn nhiều khó khăn, đội ngũ giáo viên còn ít với 4 giáo viên. Trường có tổng số 40 học sinh cả điểm trường chính và 3 điểm trường thôn Tả Ván, Nậm Lầu, Nhìu Sang. Từ đây, việc học tập của con em trên địa bàn xã đã được thuận lợi hơn rất nhiều so với các năm học trước.

Tháng 11/1995, Ủy ban nhân dân xã tổng kết kết quả thực hiện các nhiệm vụ năm 1995. Trong năm 1995, chính quyền xã đã thực hiện tương đối tốt công tác quản lý, điều hành triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội, trong đó việc sản xuất các cây lương thực như: Lúa, ngô, khoai… được duy trì ổn định. Sản lượng thu hoạch năm sau cao hơn năm trước. Việc phát triển chăn nuôi đàn trâu, lợn… được phát huy. Tuy nhiên, quy mô phát triển sản xuất còn nhỏ, lẻ, chủ yếu tập trung phát triển theo hộ gia đình.

Về phát triển lâm nghiệp, Chi bộ xã đã quan tâm chỉ đạo thực hiện chủ trương giao đất, khoán rừng, gắn công tác quản lý, bảo vệ với trồng rừng định canh, định cư. Trên cơ sở đó, nghề rừng đang từng bước trở thành nghề sản xuất chính tạo ra nguồn thu nhập chính cho nhân dân trên địa bàn xã.

Bên cạnh đó, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Khắc phục những hạn chế về công tác y tế trong giai đoạn trước, đến năm 1995, trạm xá xã Xín Chải được thành lập, với 3 cán bộ y tế xã, do ông Lương Nam Sơn làm trạm trưởng. Từ đây, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tập trung củng cố, bước đầu đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, các chương trình y tế quốc gia được thực hiện. Công tác phòng, chống sốt rét trong nhân dân xã được thực hiện có hiệu quả. Đến cuối năm 1995, xã đã thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, phòng chống bướu cổ.

Trong công tác xây dựng Đảng, Chi bộ xã cũng đã từng bước chú trọng công tác kiểm tra, coi kiểm tra là một biện pháp quan trọng, kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm trong việc thực hiện quy chế công tác và sinh hoạt của tổ chức cơ sở Đảng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Chi bộ xã đã chú trọng tăng cường các biện pháp giáo dục ý thức cảnh giác, đối phó với âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc. Công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm, Chi bộ xã đã kết nạp được 2 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong Chi bộ là 29 đồng chí.

Chính quyền xã không ngừng được củng cố. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân xã đã coi trọng công tác giáo dục, vận động, thuyết phục, gắn với thực hiện tốt lợi ích thiết thực đối với đoàn viên, hội viên, đặc biệt là đứng ra tín chấp vay vốn, giúp đỡ đoàn viên, hội viên “xóa đói giảm nghèo”. Qua đó, đã góp phần làm chuyển biến đáng kể đời sống của nhân dân xã.

Thực hiện Chỉ thị 57/TU của Ban chấp hành Trung ương Đảng và các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy về nhiệm vụ chống “diễn biến hoà bình”; Chi bộ đã tăng cường các biện pháp giáo dục ý thức cảnh giác đối phó với âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc. Thường xuyên chú trọng củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Xã tổ chức diễn tập kế hoạch A2, từng bước xây dựng, huấn luyện các phương án phòng ngừa nhằm chủ động đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Xã đội duy trì nghiêm túc các chế độ tập huấn, huấn luyện quân sự hàng năm cho các lực lượng theo kế hoạch của Ban chỉ huy quân sự huyện. Tổ chức chặt chẽ việc đăng ký, huấn luyện, quản lý quân dự bị động viên và các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác sẵn sàng động viên chiến đấu. Việc giáo dục, quản lý thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự luôn được chú trọng nên hàng năm xã đều hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân. Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tấn công vào chế độ ta là một trong những thủ đoạn thâm độc mà chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động quốc tế vẫn nuôi dưỡng ý đồ từ lâu và tiến hành bằng nhiều thủ đoạn sảo quyệt, nguy hiểm hòng phá vỡ ta từ bên trong.

Tháng 5/1996 Đại hội Chi bộ xã Xín Chải lần thứ XV (nhiệm kỳ 1996 - 2000). Tham dự Đại hội có 29 đảng viên. Đồng chí Lý Văn Bằn được bầu giữ chức vụ Bí thư chi bộ. Đại hội thông qua báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Chi bộ xã lần thứ XIV và đề ra phương hướng, mục tiêu phấn đấu đến năm 2000 là: Thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, khai thác có hiệu quả các thế mạnh của địa phương về nguồn lao động, đất đai, trí và lực của nhân dân cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để tập trung phát triển kinh tế, xã hội. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ văn hoá, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, tật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng, vai trò hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, Chi bộ xã đã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất cây lương thực. Đến năm 2000, diện tích lúa trên địa bàn xã đạt 71 ha, năng suất đạt 28,6 tạ/ha, sản lượng đạt 203,1 tấn; diện tích ngô đạt 21 ha, năng suất đạt 20 tạ/ha. Bình quân lương thực đầu người đạt 380 kg/người. Cùng với đó, diện tích chè đạt 57 ha, năng suất đạt 1,5 tấn/ha; cây thảo quả trên địa bàn xã bắt đầu được triển khai đạt 3 ha.

Trong phát triển chăn nuôi, việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước được thực hiện tương đối hiệu quả, đã giải quyết cho các hộ dân phát triển sản xuất chăn nuôi, xây dựng trang trại nhỏ, tạo thêm việc làm cho lao động. Xã đã tập trung phát triển đàn trâu, dê, lợn. Đến năm 2000, tổng đàn trâu đạt 290 con; dê đạt 249 con, lợn 254 con.

Bên cạnh kết quả đạt được, đời sống nhân dân xã còn gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2000, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 1.447.971 đồng; có 26 hộ nghèo.

Về phát triển lâm nghiệp, Chi bộ xã đã chỉ đạo việc giao rừng cho dân quản lý. Đến năm 2000, 100% diện tích đất rừng trên địa bàn xã đã có chủ quản lý. Công tác tuyên truyền các chính sách liên quan đến đất đai, bảo vệ rừng và phát triển khoanh nuôi bảo vệ rừng được quan tâm. Cùng với đó, được sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước, diện tích rừng năm 2000 trên địa bàn xã đạt 1.100 ha. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ rừng chưa chặt chẽ, một bộ phận làm ăn phi pháp vẫn lén lút khai thác gỗ; vẫn còn xảy ra tình trạng nhân dân phát rừng làm nương, tranh chấp, lấn chiếm giữa các hộ gia đình; diện tích đất trống, đồi núi trọc vẫn còn, một bộ phận trông chờ dự án hỗ trợ…

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn xã có 256 em trong độ tuổi đến trường. Công tác xoá mù chữ phổ cập tiểu học được hoàn chỉnh và tiếp tục tiến hành phổ cập trung học cơ sở. Đặc biệt, với sự nỗ lực cố gắng của thầy và trò, sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền xã, năm 1997 xã Xín Chải được công nhận chuẩn quốc gia về xóa mù chữ phổ cập giáo dục tiểu học cơ sở.

Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được đẩy mạnh. Sau 5 năm trạm y tế xã được thành lập và đi vào hoạt động đã từng bước nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hàng năm, công tác tiêm chủng mở rộng đạt 100%. Trình độ chuyên môn đội ngũ y bác sỹ trạm y tế xã từng bước được quan tâm. Việc thực hiện chương trình dân số, kế hoạch hoá gia đình đạt kết quả cao. Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ hoạt động tích cực, có hiệu quả. Năm 2000, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trên địa bàn xã giảm còn 1,4%.

Công tác xây dựng cơ bản được quan tâm. Hệ thống trụ sở, trường học, đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã được củng cố. Tuy nhiên, một số dự án được cấp trên hỗ trợ xi măng trong quá trình triển khai chính quyền xã, thôn quản lý chưa chặt chẽ đồng thời Chi bộ xã chưa có biện pháp khắc phục triệt để.

Những năm 1996-2000, việc thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã luôn được Chi bộ xã chỉ đạo sát sao. Hàng năm, xã đã quan tâm tổ chức huấn luyện tốt, tham gia thực hiện diễn tập khu vực phòng thủ cụm xã, hoàn thành chỉ tiêu khám sức khoẻ tuyển quân đảm bảo đủ số lượng và chất lượng.

Công tác phát triển Đảng được quan tâm. Việc tổ chức học tập, quán triệt các Nghị quyết; hướng dẫn xây dựng chương trình hành động của Chi bộ từng bước đi vào nền nếp. Trong những năm 1996-2000, Chi bộ đã kết nạp được 3 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong Chi bộ là 32 đồng chí.

Hoạt động của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân xã đã có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa rõ nét. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều đổi mới. Hàng năm đã đề ra được phương hướng hoạt động, làm tốt công tác phối hợp, xây dựng khối đoàn thể toàn dân, chống các tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa. Tuy nhiên năng lực của một số cán bộ chính quyền xã còn chưa cao, thiếu năng động, cứng nhắc; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong thực hiện một số nhiệm vụ chưa được thường xuyên, liên tục…

Tháng 10/1996, Hội Người cao tuổi Lâm thời xã Xín Chải được thành lập và nhanh chóng đi vào hoạt động, phát huy được vai trò của người cao tuổi trên địa bàn xã trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ngày 7/6/1997, Hội cựu chiến binh xã Xín Chải được thành lập. Đồng chí Lý Văn Kéng được chỉ định giữ chức vụ Chủ tịch Hội. Hội cựu chiến binh xã gồm 11 hội viên. Ngày 5/11/1997, Hội đã tiến hành Đại hội lần thứ nhất. Đồng chí Lý Văn Kéng được bầu giữ chức vụ chủ tịch hội. Sau khi được thành lập, Hội cựu chiến binh xã đã phát huy vai trò tham mưu cho Đảng ủy xã và làm nòng cốt trong công tác tập hợp, đoàn kết, vận động cựu chiến binh thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương.

Trong những năm 1996- 2000, Chi bộ và nhân dân xã Xín Chải đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả trên các lĩnh vực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng, cơ sở hạ tầng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm, bộ máy chính quyền hoạt động có hiệu quả, hoạt động của các đoàn thể chính trị xã hội cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong tình hình, nhiệm vụ mới.

IV- Đảng bộ xã Xín Chải được thành lập lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tiếp tục góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn (2000-2015)

Bước sang năm 2000, trước yêu cầu mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự lớn mạnh cả về chất lượng và số lượng đảng viên của chi bộ xã, Huyện ủy Vị Xuyên đã quyết định thành lập Đảng bộ xã Xín Chải. Tại thời điểm thành lập, Đảng bộ xã có 32 đảng viên, gồm 3 chi bộ trực thuộc.

Tháng 5 năm 2000, Đảng bộ xã tổ chức Đại hội lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2000-2005). Tham dự Đại hội có 32 đảng viên. Đại hội đã bầu 9 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã. Đồng chí Lý Văn Bằn được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã; đồng chí Đặng Văn Đàm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã được bầu giữ chức vụ Phó bí thư Đảng ủy xã; đồng chí Đặng Văn Đồng (Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã kiêm Trưởng công an xã), đồng chí Hoàng Văn Dầu (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã), đồng  chí Lý Văn Bổi (Chủ tịch Hội đồng nhân dân), Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã. Trong nhiệm kỳ, công tác tổ chức cán bộ của xã có sự thay đổi, đến năm 2002, đồng chí Đặng Văn Đàm được chỉ định giữ chức vụ thay đồng chí Lý Văn Bằn.

Đại hội đã đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 1996-2000 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ 5 năm đó là: Phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, coi trọng giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thực hiện xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị ngày càng vững mạnh; tăng cường xây dựng Đảng bộ, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã trong sạch, vững mạnh.

Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2000 - 2005 trong điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm, trình độ dân trí thấp, dân cư không tập trung, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn.

Trong phát triển kinh tế, Đảng bộ xã đã chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ các loại cây trồng có năng suất cao như: Ngô, lúa và hoa màu xuống ruộng 1 vụ...Đến năm 2005, diện tích lúa nước toàn xã đạt 86 ha, năng suất 43 tạ/ha, sản lượng đạt 369,8 tấn; diện tích ngô đạt 27 ha, năng suất đạt 25 tạ/ha, sản lượng 67,5 tấn. Tổng sản lượng lương thực toàn xã là 4.373 kg, bình quân lương thực đầu người đạt 593 kg. Việc phát triển cây công nghiệp, nhất là cây chè được phát triển. Toàn xã có 87 ha chè, năng suất đạt 2 tấn/ha, sản lượng đạt 174 tấn; cây thảo quả đạt 175 ha.

Để phát triển sản xuất nông nghiệp, được sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, các công trình thủy lợi trên địa bàn xã đã được quan tâm đầu tư xây dựng. Trong những năm 2000-2005, toàn xã đã xây dựng kiên cố hóa được 4 con mương với tổng chiều dài hơn 11.000 mét, nhất là kênh mương ở các thôn Tả Ván, Nậm Lầu, Nhìu Sang... Ngoài ra, nhân dân xã đã tích cực tham gia ngày công để tu sửa, nạo vét mương thuộc chương trình 135 trên địa bàn xã.

Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, Đảng bộ xã đã chú trọng lãnh đạo công tác chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Đến năm 2005, toàn xã có 427 con trâu, 524 con dê, 557 con lợn. Bên cạnh đó, đàn gia cầm cũng đã được quan tâm phát triển. Tuy nhiên do dịch bệnh, công tác nắm bắt và giải quyết chưa kịp thời, chưa chủ động trong công tác tiêm phòng nên phát triển chậm.

Về lâm nghiệp, tổng diện tích lâm nghiệp toàn xã có 1.563 ha. Trong đó có 856 ha được khoanh nuôi, bảo vệ giao cho các hộ quản lý, đặc biệt là rừng tái sinh. Việc trồng, tái sinh rừng được chú trọng. Đến năm 2005, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn xã đạt 52%. Đảng bộ xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng. Do vậy trong những năm 2000-2005, trên địa bàn xã không có hiện tượng cháy rừng xảy ra.

Phát huy tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong công tác xây dựng cơ bản, trong đó về giao thông, Đảng bộ xã đã chỉ đạo, vận động hàng năm nhân dân tham gia ủng hộ ngày công để tu sửa đường; tuyến đường giao thông liên thôn Nậm Lầu – Nhìu Sang với chiều dài 7,1 km cũng đã được nhân dân ủng hộ ngày công tu sửa với 582 ngày công; tuyến đường thôn Nhìu Sang được 290 công. Đến năm 2005, 100% các thôn trên địa bàn xã đã có đường rộng 3 mét tới từ các hộ gia đình đến trụ sở thôn.

Cùng với đó, trong những năm 2000 - 2005, được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và sự ủng hộ của nhân dân, nhiều công trình cơ sở vật chất trên địa bàn xã đã được xây dựng, hoàn thành và đi vào sử dụng, cụ thể như: Trụ sở xã nhân dân đã đóng góp được 143 ngày công; trạm y tế xã nhân dân ủng hộ được 150 ngày công; 1 nhà lớp học 2 tầng nhân dân đóng góp được 300 ngày công; 1 nhà cấp 4 tại điểm trường thôn Nhìu Sang... Ngoài ra, các thôn đã vận động nhân dân tu sửa trường lớp, bàn ghế; làm được 2 hội trường thôn (Nậm Lầu, Nhìu Sang) bằng gỗ, lợp mái phi brô xi măng rộng 5 gian.

Công tác giáo dục được quan tâm triển khai. Đảng bộ xã đã quan tâm chỉ đạo việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân tạo điều kiện cho con em trong độ tuổi được đến trường. Đặc biệt để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao trên địa bàn xã và được sự quan tâm của cấp trên, ngày 1/8/2003, trường cấp I xã Xín Chải đã được nâng lên thành trường cấp I –II xã Xín Chải. Đến năm 2005, toàn xã đã có 10 lớp học với 159 học sinh. Tỷ lệ học sinh 6-14 tuổi đến trường đạt 98,5%. Tổng số giáo viên của nhà trường là 23 giáo viên. Tháng 12/2003, xã được công nhận chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Công tác y tế - dân số - kế hoạch hóa gia đình được quan tâm triển khai. Trong những năm 2000-2005, trạm y tế xã do bác sỹ Nguyễn Văn Sơn làm trạm trưởng. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban dân số kế hoạch hóa gia đình xã đã mở rộng đội ngũ cộng tác viên đến các thôn bản; thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xã thực hiện chính sách của Nhà nước mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con, không sinh con thứ 3 và tăng cường sử dụng các biện pháp tránh thai. Đến năm 2005, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trên địa bàn xã còn 1,4%.

Hoạt động văn hóa – văn nghệ trên địa bàn xã không ngừng được củng cố. Ban văn hóa xã đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện nếp sống văn hóa mới. Đến năm 2005, toàn xã đã có 3 làng văn hóa, các thôn bản đều đã có quy ước, hương ước, trong đó cam kết không tổ chức ma chay, cưới xin linh đình, tốn kém, không vi phạm các tệ nạn xã hội, không truyền và học đạo trái phép, di cư tự do...

Công tác xóa đói, giảm nghèo được quan tâm. Được sự quan tâm của Nhà nước và Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã, 17 hộ nghèo của xã đã được mua trâu hỗ trợ sản xuất với tổng số tiền là 85 triệu đồng. Trong những năm 2000-2005, toàn xã đã xóa được 9 nhà tạm, còn 17 hộ nghèo (giảm 9 hộ so với năm 2000).

Công tác thực hiện chính sách xã hội được quan tâm, toàn xã có 5 gia đình chính sách, trong đó 4 gia đình liệt sỹ, 1 gia đình thương bệnh binh. Hàng năm, Đảng bộ, chính quyền xã đã quan tâm lãnh đạo tổ chức các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình và thực hiện các chế độ chính sách đảm bảo theo quy định của Nhà nước.

  Về công tác quốc phòng, an ninh, lực lượng Công an xã và Ban chỉ huy quân sự xã thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ cho các lực lượng. Đảng bộ xã đã tăng cường lãnh đạo nhân dân xã tăng cường nâng cao cảnh giác phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, xây dựng vững chắc thế trận an ninh nhân dân. Ban Công an xã đã thường xuyên phối hợp với xã đội, bộ đội biên phòng tham gia các đợt tuần tra đường biên mốc giới. Hàng năm, xã đã tổ chức tốt các đợt huấn luyện dân quân tự vệ, dự bị động viên, đủ số lượng và đảm bảo chất lượng.

Về công tác xây dựng chính quyền, Đảng bộ xã đã lãnh đạo thực hiện cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp tháng 4/2004. Các cử tri đã bầu được 19 đồng chí tham gia Hội đồng nhân dân xã. Ủy ban nhân dân xã đã được củng cố hoạt động theo quy chế, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân xã về việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Trong những năm 2000-2005, Đảng bộ xã đã lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội Hội phụ nữ xã lần thứ IX (nhiệm kỳ 2001-2005), bà Bòng Thị Hiền được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội; Đại hội Mặt trận Tổ quốc xã lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2004-2008), ông Lý Văn Biện giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã đã có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia các phong trào thi đua phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương; giữ gìn trật tự thôn bản, chăm lo đời sống nhân dân... Tuy nhiên, một số cán bộ Mặt trận và các đoàn thể trình độ, năng lực công tác còn hạn chế nên việc triển khai thực hiện một số lĩnh vực chưa đạt hiệu quả cao.

Về công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã đã chú trọng quan tâm thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm, trong những năm 2000-2005, Đảng bộ đã kết nạp được 24 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ là 56 đồng chí. Đây là giai đoạn Đảng bộ xã có số lượng đảng viên được phát triển mạnh nhất qua các thời kỳ. Đảng bộ đã thành lập mới 2 Chi bộ trực thuộc, nâng tổng số Chi bộ trực thuộc là 5. Công tác xếp loại, đánh giá chất lượng đảng viên được thực hiện nghiêm túc. Năm 2004, toàn Đảng bộ có 12 đảng viên được xếp loại đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, 43 đảng viên xếp loại đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ và 1 đảng viên đủ tư cách, chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đảng bộ xã cũng đã quan tâm thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát.

Có thể khẳng định trong những năm 2000-2005, từ khi Đảng bộ xã được thành lập đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân xã thực hiện cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, Đảng bộ đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế đó là: Sự lãnh đạo, tác phong, lề lối làm việc của một số cán bộ, đảng viên của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã còn chưa linh hoạt, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân; chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ có tính kế thừa, có năng lực, trình độ làm nòng cốt phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, nhất là trong phát triển kinh tế của xã...

  Tháng 6 năm 2005, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ II (nhiệm kỳ 2005 – 2010) được tổ chức. Tham dự Đại hội có 56 đảng viên. Đại hội đã bầu 15 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã, 04 đồng chí vào Ban Thường vụ Đảng ủy xã. Đồng chí Lý Hải Vân được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy; đồng chí Hoàng Quang Tuấn (cán bộ tăng cường của huyện) được bầu giữ chức vụ Phó bí thư Đảng ủy xã.

Đại hội đã đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ I và đề ra phương hướng, biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất nông - lâm nghiệp, thủ công nghiệp và chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, ổn định đời sống nhân dân, thực hiện xoá đói giảm nghèo.

Đại hội đã đề ra chủ đề: “Đoàn kết – dân chủ - phát huy nội lực để phát triển bền vững”. Phương hướng, nhiệm vụ của Đại hội là: Huy động nguồn lực tại chỗ, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, xác định cây chè và cây thảo quả là cây phát triển kinh tế mũi nhọn; xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, kênh mương...; đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, giữ vững tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, phấn đấu phổ cập giáo dục đúng độ tuổi; giảm tỷ lệ tăng dân số, ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng bộ; quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân xã...

Đại hội đã đề ra một số mục tiêu đến năm 2010: Thu nhập bình quân đầu người đạt 5.350.000 đồng. Tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 514 tấn, bình quân lương thực đầu người là 640kg/người/năm; Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 8%; tăng tỷ lệ hộ giàu đạt trên 30%; Về chăn nuôi, đàn trâu tăng 12%; đàn dê tăng 20%, đàn lợn tăng 205; Phấn đấu 100% thôn bản có đường ô tô vào trung tâm thôn; phấn đấu 50% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% thôn có trụ sở thôn và điểm trường bán kiên cố; Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1%; Nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 57%; Phấn đấu tăng diện tích trồng cây thảo quả đạt 1,5ha/ hộ, cây chè 1,5 ha/hộ; Phấn đấu mỗi năm kết nạp từ 8-10 đảng viên. Đảng bộ được công nhận tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đã đề ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, trong những năm 2005-2010 sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn xã ngày càng chuyển dịch theo hướng tích cực. Xác định sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng trâm, Đảng bộ xã đã tập trung chỉ đạo đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng vụ. Trong đó, đến năm 2010, diện tích lúa trên địa bàn xã đạt 91 ha, năng suất đạt 68 tạ/ha; diện tích ngô đạt 8 ha, năng suất đạt 18 tạ/ha; rau đậu các loại đạt 7 ha, năng suất đạt 7 tạ/ha; cây thảo quả diện tích 310 ha, diện tích cho thu hoạch là 171 ha; cây chè diện tích 203,9 ha...

Về chăn nuôi, Đảng bộ xã đã chỉ đạo việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi trâu, bò... tuy nhiên diện tích cỏ chưa được mở rộng nhiều, còn phát triển rải rác tại một số thôn trên địa bàn xã. Trong những năm 2005-2010, Đảng bộ xã đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh, đã tiêm được 1.150 liều vắc xin tụ huyết trùng, 1.230 liều phòng bệnh lở mồm long móng... Qua đó đã khống chế được dịch bệnh xảy ra trên địa bàn xã. Đến năm 2010, toàn xã có 420 con trâu, 630 con dê, 650 con lợn; 1.616 con gia cầm.

Việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng được chú trọng. Tỷ lệ tái sinh rừng trên địa bàn được phát triển tốt. Trong những năm 2005-2010, Đảng bộ xã đã chú trọng chỉ đạo phát triển cây sa mộc đạt diện tích 50 ha. Bên cạnh đó công tác phòng, chống cháy rừng được đẩy mạnh; nạn phá rừng làm nương rẫy đã giảm rõ rệt.

Về lĩnh vực xây dựng cơ bản, trong những năm 2005-2010, được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, xã đã xây dựng và sửa chữa được 10 công trình về xây dựng mương bê tông, điểm trường thôn, nhà bưu điện văn hóa xã, nhà lưu trú giáo viên, đường điện 0,4KV... Ngoài ra, các công trình trên đã có sự tham gia hưởng ứng đóng góp ngày công của nhân dân xã.

Công tác giáo dục tiếp tục được chú trọng triển khai. Tỷ lệ trẻ 6-14 tuổi đến trường đạt 98%, bậc mầm non 3-5 tuổi đạt trên 60%. Chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên; đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao về trình độ. Cơ sở vật chất của nhà trường từng bước được đầu tư xây dựng; 1/3 điểm trường thôn đã được xây dựng kiên cố.

Công tác y tế của xã được thực hiện tương đối tốt. Trong những năm 2005-2010, trạm y tế xã đã khám, chữa bệnh ban đầu được 3.250 lượt người. Trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ 6 loại vắc xin theo chương trình mục tiêu quốc gia. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn xã đã giảm từ 25,6% năm 2005 còn 24% năm 2010. Hàng năm, trạm y tế xã đã phối hợp với Quân y Đoàn kinh tế 313 thực hiện khám, phát thuốc cho hàng ngàn lượt người. Đặc biệt năm 2007, xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Bên cạnh đó, Đảng bộ xã đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dân số kế hoạch hóa gia đình, qua đó đã góp phần giảm tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên trên địa bàn xã từ 1,4% năm 2005, xuống còn 0,8% năm 2010. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công trình vệ sinh, nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của một số người dân chưa có sự chuyển biến mạnh.

Hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục thể thao được Đảng bộ xã tập trung quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, xã đều tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ tại xã; có 3/3 đội bóng chuyền ở các thôn. Cùng với đó, công tác thông tin – truyền thông, truyền hình phát triển khá mạnh. Đến năm 2010, toàn xã đã có 160 hộ sử dụng điện thoại cố định; 01 điểm bưu điện văn hóa xã; 46 hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 118 hộ sử dụng điện nước...

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã được quan tâm. Tháng 10/2005, Đại hội Hội phụ nữ xã lần thứ X (nhiệm kỳ 2005-2009) được tổ chức, bà Lý Thị Thẩy được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội.

Đảng bộ xã đã chú trọng việc củng cố, kiện toàn lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên theo Pháp lệnh. Hàng năm, lực lượng dân quân tự vệ xã đã tổ chức thực hiện việc huấn luyện luyện tập chiến đấu trị an, phòng chống lụt bão theo kế hoạch đã đề ra. Việc bồi dưỡng tạo nguồn, phát triển đảng viên mới trong lực lượng dân quân tự vệ được quan tâm. Trong những năm 2005-2010, xã đã tổ chức được 2 lớp bồi dưỡng giáo dục quốc phòng – an ninh cho cán bộ, đảng viên, lực lượng dân quân tự vệ và nhân dân với tổng số 235 người tham gia; tổ chức được 6 đợt tuyên truyền với hơn 400 lượt người tham gia về phòng, chống tệ nạn xã hội... Thực hiện chủ trương về việc giao đường biên mốc giới cho các thôn biên giới, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác quốc phòng – an ninh và giao đường biên cho 2 thôn giáp biên. Trong những năm 2005-2010, các thôn đã huy động được hàng ngàn ngày công phát đường biên, lực lượng dân quân tự vệ xã đã phối hợp với trạm biên phòng Lao Chải tổ chức tuần tra đường biên mốc giới được hàng ngàn ngày công... Cùng với đó, Đảng bộ xã đã chỉ đạo, phối hợp với lực lượng biên phòng bảo vệ tốt 4 cột mốc từ 242 đến 246 trên địa bàn xã; tình trạng xâm canh, xâm cư trái phép, tình trạng di cư tự do không còn xảy ra...

Công tác xây dựng Đảng được quan tâm triển khai. Đảng bộ xã đã tổ chức được 12 Hội nghị quán triệt, học tập các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, của huyện; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Hàng năm, công tác phân loại, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được thực hiện nghiêm túc. Năm 2009, 5/5 Chi bộ xã đạt Chi bộ trong sạch vững mạnh; năm 2008-2009, Đảng bộ xã được công nhận Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; 100% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, nhiều Chi bộ có 30% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ... Trong những năm 2005-2010, Đảng bộ xã đã phối hợp với Đảng bộ xã Thanh Đức, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện mở được 2 lớp tìm hiểu về Đảng tại xã; kết nạp được 25 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ là 81 đảng viên.

Trong những năm 2005-2010, công tác tổ chức cán bộ của xã có sự thay đổi. Năm 2007, đồng chí Đặng Viết Duật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy xã; đồng chí Bồng Văn Ơn, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. 

Hoạt động của Hội đồng nhân dân xã được thực hiện đảm bảo theo đúng quy định. Tại các kỳ họp, Hội đồng nhân dân xã đã cụ thể hóa các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp trên, Đảng ủy xã; tổ chức được 12 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân ở cấp cơ sở; tăng cường tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri nhằm kịp thời nắm bắt, tổng hợp và giải quyết những kiến nghị, đề xuất hợp pháp, chính đáng của cử tri. Ủy ban nhân dân xã đã thực hiện tốt việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng – an ninh; chú trọng bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ trẻ năng động, sáng tạo, có đủ năng lực, trình độ trong bộ máy chính quyền xã...

Năm 2007, Đảng bộ xã đã tập trung chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Mặt trận Tổ quốc xã nhiệm kỳ 2007-2012, ông Lý Văn Trần được giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận. Trong những năm 2005-2010, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội xã đã có nhiều đổi mới về cán bộ, phương thức, nội dung hoạt động, thu hút và tập hợp được các thành viên, hội viên, đoàn viên tham gia. Đặc biệt, đã tổ chức tuyên truyền, vận động và bảo lãnh, tín chấp để các hội viên mạnh dạn vay các nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng... Qua đó đã kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên phát triển kinh tế, từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Ngày 08 tháng 5 năm 2010, Đại hội Đảng bộ xã Xín Chải lần thứ III (nhiệm kỳ 2010 – 2015) được tổ chức. Tham dự Đại hội có 81 đảng viên. Đại hội đã bầu ra 15 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã và 1 sỹ quan Biên phòng được chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ xã. Tại hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ xã khóa III đã bầu ra Ban Thường vụ Đảng ủy gồm 05 đồng chí, 01 đồng chí Sỹ quan Biên phòng được chỉ định tham gia Ban Thường vụ giữ chức vụ Phó Bí thư. Đồng chí Bồng Văn Ơn được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã.

Đại hội đã đánh giá những thành tựu đạt được trên các mặt công tác trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, xác định mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ 2010 -2015.

Đại hội đã đề ra chủ đề: “Đoàn kết - Đổi mới – phát huy thế mạnh - Phát triển bền vững ”.

Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát là: Nâng cao sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, điều hành quản lý của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả mọi lợi thế của xã, tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tích cực đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; duy trì và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị vững mạnh toàn diện và giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.

Đại hội đã đề ra một số mục tiêu chủ yếu đến năm 2015: Thu ngân sách trên địa bàn xã đạt 600 triệu đồng; Tổng sản lượng lương thực đạt trên 700 tấn; Thu nhập bình quân đầu người đạt 6 triệu đồng/người/năm; Lương thực bình quân đầu người đạt 680 kg/người/năm; Phấn đấu đưa hộ khá và giàu lên 37%, hộ trung bình lên trên 40%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 23%; Trồng mới 20 ha rừng kinh tế, 20 ha cỏ, 79 ha thảo quả; Đưa tổng đàn trâu lên 600 con, đàn bò 20 con, đàn dê 830 con, đàn lợn 900 con, đàn gia cầm 2.000 con; Phấn đấu 100% hộ được sử dụng điện thắp sáng, trong đó 75% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 70% số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; Giữ vững tỷ lệ gia tăng dân số ở mức 0,8%. Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 12%; Huy động trẻ đến trường đạt 99%, quyết tâm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; xây dựng 01 trường mầm non xã; 5/5 Chi bộ trực thuộc đạt trong sạch, vững mạnh; kết nạp đảng viên mới từ 40 đảng viên trở lên.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đã đề ra, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đảng bộ đã xác định sản xuất nông - lâm nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, nhằm đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng vụ. Vì vậy sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển, năng suất, chất lượng, giá trị nông sản đã tăng dần qua các năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu nhập cho nhân dân, ổn định xã hội và đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo của xã trong nhiệm kỳ qua.

Đến năm 2015, tổng diện tích lúa trên địa bàn xã là 96 ha, tổng sản lượng lúa đạt trên 620 tấn; diện tích ngô đạt 9 ha, năng suất đạt 28 tạ/ha, sản lượng 25,2 tấn; diện tích đậu tương đạt 12 ha, năng suất đạt 10,5 tạ/ha, sản lượng 12,6 tấn. Bên cạnh đó, diện tích thảo quả là 312 ha, diện tích cho thu hoạch là 150 ha, năng suất bình quân 4,5 tạ/ha; diện tích chè là 113,5 ha, trong đó có 110 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 210 tấn chè búp tươi/năm.

Về chăn nuôi, Đảng bộ xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, vận động nhân dân nâng cao công tác quản lý, chăm sóc, tu sửa chuồng trại, trồng cỏ, thu gom rơm sau thu hoạch để đảm bảo thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Vì vậy đàn gia súc của xã vẫn được duy trì và phát triển, trong đó đàn trâu đảm bảo sức kéo và đã trở thành hàng hóa. Đến năm 2015, toàn xã có 500 con trâu, 550 con dê, 760 con lợn.

Diện tích rừng tự nhiên của xã được quản lý, bảo vệ tốt. Việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng được chú trọng, những khu rừng tái sinh được bảo vệ đang phát triển tốt. Trong những năm 2010-2015, trên địa bàn xã đã phát triển diện tích trồng cây sa mộc với 55 ha, cây xa nhân với 5 ha và 02 ha cây xoan; thí nghiệm trồng một số cây phân tán khác ở các thôn. Công tác phòng chống cháy rừng được quan tâm; tình trạng phát rừng làm nương và cháy rừng hàng năm không xảy ra.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, với tinh thần phát huy nội lực là chính, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân trong xã ủng hộ ngày công để khắc phục, sửa chữa, làm mới những công trình dân sinh thiết yếu như: Làm mới 02 điểm trường mầm Non ở thôn Tả Ván 2 và Nậm Lầu 2; làm mới 01 bếp ăn của trường Tiểu học và Trung học cơ sở; Đổ bê tông sân trụ sở Ủy ban nhân dân xã; tu sửa nhà lưu trú học sinh tại trường chính, điểm trường thôn Nhìu Sang; sửa chữa cầu Nhìu Sang; đổ bê tông đường liên thôn được 4 km ở hai thôn Tả Ván và Nậm Lầu; tu sửa các đoạn kênh mương bị sạt lở.. Tổng giá trị vật chất và ngày công của nhân dân quy đổi thành tiền khoảng trên 2 tỉ đồng.

Việc giao lưu buôn bán trao đổi hàng hoá nông sản của nhân dân trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức xây dựng tổ hợp kinh doanh dịch vụ quy mô còn nhỏ bé. Đến năm 2015, toàn xã chỉ có 5 hộ kinh doanh nhỏ lẻ có 20 máy sao chè mini phục vụ cho việc chế biến, bán chè theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về giáo dục, xác định rõ trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể và các thôn bản trong việc vận động, khuyến khích học sinh đi học chuyên cần nên tỷ lệ huy động trẻ đến trường hàng năm trên địa bàn xã từng bước tăng cao. Tỷ lệ trẻ em bậc học mầm non từ 1 - 2 tuổi đến trường đạt 35%; 3 - 5 tuổi đạt 95%; 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 100%; nhóm trẻ từ 6-14 tuổi đạt 98%. Ngày 1/8/2010, sau một quá trình chuẩn bị và để đáp ứng nhu cầu học tập trên địa bàn xã, trường mầm non xã Xín Chải được thành lập, gồm 9 giáo viên, do đồng chí Phạm Minh Hương làm hiệu trưởng. Tại thời điểm được thành lập, trường  học có 06 lớp với 82 học sinh. Tháng 6/2014, xã đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi. Công tác xã hội hoá giáo dục, chăm sóc học sinh bán trú luôn được Đảng bộ xã quan tâm chỉ đạo sát sao, hội khuyến học của xã đã được củng cố và hoạt động có hiệu quả.

Đảng bộ xã đã chỉ đạo thường xuyên duy trì các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao tại xã. 3/3 thôn trên địa bàn xã đều có đội văn nghệ dân gian, đội bóng chuyền. Năm 2014 xã đã thành lập Hội nghệ nhân dân gian và đã sớm được đi vào hoạt động ổn định, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Công tác thông tin - truyền thông truyền hình phát triển khá mạnh mẽ. Đến năm 2015, toàn xã có 02 trạm tiếp sóng của Viettel và Vinaphone. Hầu hết các hộ gia đình đều đã sử dụng điện thoại di động với 370 máy điện thoại di động/185 hộ; đã có ti vi thu tín hiệu bằng đầu chảo mặt đất để phục vụ cho nhân dân tiếp cận được những thông tin, chính sách, của Đảng và Nhà nước.

Về công tác y tế - dân số, Kế hoạch hoá gia đình, trạm y tế xã đã tổ chức khám, chữa bệnh cho 3.250 lượt người, trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ 6 loại vacxin theo chương trình mục tiêu quốc gia. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 24% năm 2010 xuống còn 18% năm 2014. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,8%. Chương trình quân dân y kết hợp được thực hiện đúng theo quy định. Cơ sở vật chất của trạm ngày càng được quan tâm và đầu tư. Năm 2014, trạm xá xã đã được xây dựng kiên cố bằng bê tông, 2 tầng. Hàng năm, xã luôn duy trì đạt chuẩn Quốc gia về y tế.

Nhằm thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, Đảng bộ xã đã chỉ đạo triển khai tuyên truyền, vận động cho nhân dân vay vốn của Ngân hàng chính sách để xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Trong những năm 2010-2015 đã có 145 hộ tiến hành vay với với tổng số vốn trên 2 tỷ đồng; xoá được 25 nhà tạm. Đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã là 46 hộ chiếm 24,6; hộ cận nghèo 32 hộ chiếm 17,1%; hộ trung bình 70 hộ chiếm 37,4%, hộ khá là 39 hộ đạt 20,9%.

Thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người có công và chính sách an sinh xã hội, Đảng bộ, chính quyền xã đã phối hợp với các cấp, các ngành tặng 01 sổ tiết kiệm cho mẹ liệt sỹ; kịp thời rà soát làm chế độ trợ cấp cho người cao tuổi, người tàn tật và mất sức lao động là 18 trường hợp. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân tặng quà và tổ chức văn nghệ gây quỹ từ thiện hỗ trợ hộ nghèo, các cháu học sinh với tổng số tiền trên 60 triệu đồng.

Về công tác quốc phòng, an ninh, Đảng bộ xã đã lãnh đạo Ban chỉ huy quân sự xã triển khai xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch huấn luyện, luyện tập chiến đấu trị an, phòng chống lụt bão gắn với điều kiện cụ thể của xã; hoàn thành công tác tuyển quân hàng năm. Tiếp tục bồi dưỡng tạo nguồn và phát triển đảng viên mới trong lực lượng dân quân xã; đã tổ chức được 2 lớp bồi dưỡng giáo dục quốc phòng – an ninh cho tất cả các thôn bản giáp biên giới với tổng số 235 người tham gia; vận động được 22 hộ tham gia tự quản 3,4km đường biên giới và 02 mốc giới. Ngoài ra đã huy động nhân dân phát đường biên được hàng nghìn ngày công và thường xuyên phối hợp với Đồn biên phòng tuần tra, bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được quan tâm chỉ đạo sát sao. Thường xuyên làm tốt công tác xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố các tổ an ninh nhân dân, tổ tự quản, tổ hoà giải ở thôn bản và lãnh đạo các tổ này hoạt động có hiệu quả.

Về công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Hàng năm 100% tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hoàn thành nhiệm vụ. Đảng bộ xã đã tổ chức quán triệt và học tập các Nghị quyết của Trung ương, của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện Vị Xuyên cho cán bộ Đảng viên và nhân dân được 1.250 lượt người. Phương thức lãnh đạo của Đảng bộ xã đã có nhiều chuyển biến, nhất là sau khi được nghiên cứu, học tập Đề án 145 của Tỉnh ủy. Đảng bộ xã đã bám sát các chủ trương của cấp trên cụ thể hoá vào các Nghị quyết của Đảng bộ phù hợp với điều kiện thực tế của xã, gắn với tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Đảng bộ xã đã thành lập mới 02 chi bộ (chi bộ Trường Mầm non và chi bộ Quân sự xã); kết nạp được 29 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ là 110 đồng chí.

Đảng bộ luôn luôn chú trọng xây dựng củng cố và kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng, thường xuyên kiện toàn bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, có trình độ, có kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Tổ chức tốt việc đổi và phát thẻ đảng viên, trao tặng huy hiệu 30 năm, 40 năm và 50 năm tuổi đảng theo đúng quy định của Điều lệ đảng và Chỉ đạo của cấp trên. Đảng bộ đã tổ chức kiểm tra theo Điều 30, Điều 32 Điều lệ Đảng được 2/7 chi bộ. Qua kiểm tra giám sát trong nhiệm kỳ đã đề nghị trên xóa tên 01 đảng viên và kịp thời nhắc nhở, uốn nắn những thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ của các chi bộ và đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đảng bộ xã đã quan tâm lãnh đạo việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) .Trên cơ sở những chuẩn mực đạo đức được xây dựng theo nhiệm vụ, chức năng của từng chi bộ, Đảng bộ đã triển khai cho đảng viên lựa chọn đăng ký thực hiện việc làm theo Bác gắn với nhiệm vụ chính trị của chi bộ, công tác chuyên môn của bản thân. Qua đó đã góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

Hoạt động của Hội đồng nhân dân xã được tiến hành theo đúng luật định, các kỳ họp đã được cụ thể hóa, được chủ trương Nghị quyết của Đảng bộ và xây dựng được các Nghị quyết bám sát thực tiễn của địa phương; làm tốt chức năng kiểm tra, giám sát trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng và Nhà nước tại địa phương. Hội đồng nhân dân xã đã xây dựng được 32 nghị quyết, tổ chức được 12 cuộc kiểm tra, giám sát tại các thôn bản, tổ chức được 21 buổi tiếp xúc cử tri với hơn 800 lượt cử tri tham gia. Bên cạnh đó đã tiến hành bầu kiện toàn chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; miễn nhiệm 02 đại biểu hội đồng nhân dân xã.

Ủy ban nhân dân xã đã thực hiện tốt quy chế của Đảng bộ - Hội đồng nhân dân xã đề ra. Tiến hành quản lý tốt lĩnh vực đất đai, hành chính, tư pháp cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ xã được bổ sung, kiện toàn gồm những cán bộ trẻ có năng lực, nhiệt tình bước đầu phát huy được vai trò theo các cương vị được giao.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã đã tích cực tổ chức tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, triển khai tích cực các nhiệm vụ trọng tâm của huyện đáp ứng yêu cầu đề ra. Đảng bộ xã đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức tốt Đại hội nhiệm kỳ, đã củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt đủ sức đảm nhiệm chức trách nhiệm vụ được giao. Do vậy trong những năm 2010-2015, công tác Mặt trận và các đoàn thể có nhiều đổi mới về cán bộ và nội dung phương thức hoạt động, thu hút và tập hợp được các thành viên, hội viên, đoàn viên tham gia. Tích cực vận động hội viên tham gia phát triển Kinh tế - văn hoá - xã hội, xây dựng đời sống khu dân cư, xoá đói giảm nghèo, xoá nhà tạm. Động viên được nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết mà Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

Ngày 25/4/2015, Đại hội Đảng bộ xã Xín Chải lần thứ IV (nhiệm kỳ 2015-2020) được tổ chức. Tham dự Đại hội có 110 đảng viên. Đại hội đã tiến hành bầu 16 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã, 6 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã. Đồng chí Bồng Văn Ơn được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã.

Đại hội đã đề ra chủ đề: “Đoàn kết nội bộ, giữ vững kỷ cương, cùng nhau phát triển, thoát nghèo bền vững”.

Mục tiêu tổng quát của Đại hội là: Tích cực đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh tăng năng xuất. Nâng cao đời sống của nhân dân về mọi mặt, tích cực xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực; tăng cường chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục; duy trì và phát triển nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc; không ngừng củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.

Đại hội đã đề ra một số mục tiêu chủ yếu đến năm 2020: Thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/năm; Tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 665 tấn/năm; Độ che phủ rừng đạt 68%;Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 14,6 %/năm; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm 1,3%; Xây dựng nông thôn mới: đạt thêm 3 tiêu trí (Thủy lợi, điện, môi trường); Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 63%; Tỷ lệ huy động học sinh đến trường (từ 6 đến 14 tuổi) đạt 98%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%, trong đó đào tạo nghề 15%; Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch 90%; Tỷ lệ hộ dân có 3 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn 90%; Duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế; Số tổ chức cơ sở Đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh 60%. Kết nạp mới 04 đảng viên/năm (20 đ/c trong cả nhiệm kỳ); Đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia, không để vụ việc phức tạp sảy ra trên Biên giới và trên địa bàn xã.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết đã đề ra, Đại hội đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, Đảng bộ xã đã chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai của xã. Đẩy mạnh tăng vụ, thâm canh trên diện tích lúa 01 vụ; chuyển đổi trồng các loại cây màu có năng suất và chất lượng trên những diện tích ruộng thiếu nước; tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích đậu tương, lạc, ngô xuống ruộng một vụ; phục hồi diện tích trồng sắn và mở rộng diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò hàng hoá. Tập trung chỉ đạo phát triển đàn gia cầm ở tất cả các thôn. Tăng cường công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng gắn với việc trồng và chăm sóc rừng mới trồng, khuyến khích các tổ chức cá nhân và các hộ gia đình trên địa bàn gắn việc khoanh nuôi bảo vệ rừng với phát triển kinh tế trang trại.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, bê tông hóa các tuyến đường dân sinh của xã theo hướng đảm bảo đi lại thuận lợi cho xe máy, đảm bảo giao thông thông suốt 4 mùa, phấn đấu 50% đường liên thôn được đổ bê tông. Huy động nguồn lực từ nhân dân thường xuyên tu sửa kênh mương đảm bảo nước canh tác cho diện tích lúa hiện có. Tranh thủ tối đa các nguồn đầu tư của Nhà nước để đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng ở địa phương.

Về phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, tập trung quy hoạch dân cư xây dựng chợ tại khu trung tâm xã nhằm thu hút nhân dân tham gia trao đổi hàng hóa và tạo đầu mối cho các tư thương đến thu mua hàng nông sản. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ gia đình chế biến chè nhằm thúc đẩy việc trồng và thâm canh chè tại địa phương.

Về giáo dục - đào tạo, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh hoạt động của Hội khuyến học xã, chú trọng xây dựng quỹ khuyến học, sử dụng quỹ đúng mục đích, khen thưởng đúng đối tượng để kịp thời khích lệ động viên phong trào thi đua học tập trong các thôn bản và dòng họ. Đưa nội dung cho con em đến trường vào quy ước, hương ước của thôn và bình xét gia đình văn hóa. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng tại xã.

Về văn hoá, thể thao, thông tin, phát huy và bảo tồn các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc đồng thời hoàn thiện các chuẩn mực văn hóa, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trách nhiệm xã hội của công dân. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Hội nghệ nhân dân gian của xã đi vào hoạt động ổn định, có nề nếp đồng thời sưu tầm và bảo tồn được các giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc. Khuyến khích, vận động, tạo điều kiện để đẩy mạnh các hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao cho mọi tầng lớp, từng lứa tuổi.

Về công tác y tế - dân số, kế hoạch hoá gia đình, tập trung tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức tự phòng chống, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng bằng việc cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường và gia đình. Quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 toàn xã có trên 95% số hộ có đủ 3 công trình vệ sinh. Tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Thường xuyên rà soát việc thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, không để sẩy ra trùng lặp hoặc thiếu sót

Về lao động - xã hội, giải quyết việc làm và giảm nghèo, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện để tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận và vay vốn ưu đãi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thường xuyên làm tốt chính sách an sinh xã hội, tiếp tục rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công, chính sách đối với người nghèo, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội. Đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác xóa đói giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực của trên để người nghèo, người có công có cuộc sống ổn định.

Về công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phối hợp chặt chẽ với Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy làm tốt công tác tuần tra và bảo vệ đường biên mốc giới, giữ vững chủ quyền Biên giới Quốc gia, góp phần xây dựng Biên giới hòa bình hữu nghị. Thường xuyên củng cố kiện toàn lực lượng Dân quân, nâng cao trình độ về mọi mặt, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nâng cao chất lượng công tác của lực lượng công an, dân quân, vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm và các tệ nạn xã hội.

Công tác xây dựng Đảng, tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chỉ thị, nghị quyết Đảng bộ các cấp. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng và việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong tổ chức Đảng và đảng viên gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên nhất là người đứng đầu.

Công tác xây dựng chính quyền, tập trung lãnh đạo tổ chức thực hiện thành công cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền xã. Thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân thực hiện quản lý Nhà nước, gần dân, sát dân để chính quyền thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền thực hiện cải cách hành chính. Tổ chức tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân. Đấu tranh có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật giữ vững trật tự kỷ cương trên địa bàn.

Về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Phát huy truyền thống đoàn kết, huy động sức mạnh toàn dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã cả về nội dung và phương thức tập hợp quần chúng; củng cố đội ngũ cán bộ chủ chốt, xây dựng tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và hội viên tham gia các tổ chức hội. 

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đến nay, Đảng bộ và nhân dân xã Xín Chải đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế có bước phát triển, kết cấu hạ tầng được đầu t­ư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đư­ợc chú trọng, hoạt động ngày càng vững mạnh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân xã được ổn định và phát triển. Nhân dân ngày càng tin t­ưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm xây dựng xã ngày càng phát triển, giàu mạnh, dân chủ, văn minh.

*

*                    *

Nhìn lại chặng đường gần 30 năm (1986 - 2015) thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Xín Chải đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của cấp trên, sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị cùng nhân dân xã; tận dụng khai thác, phát huy những tiềm năng thế mạnh của địa phương; phát huy nội lực, khắc phục những khó khăn của một xã miền núi, vùng biên giới để tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Đã phấn đấu đạt được nhiều kết quả, tạo ra sự chuyển biến căn bản rõ nét toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển và ổn định. Cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động, đã tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của xã. Các vấn đề xã hội được giải quyết, chất lượng công tác giáo dục, y tế, văn hóa từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã được cải thiện đáng kể. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân xã được củng cố ngày càng trong sạch vững mạnh, nhân dân xã Xín Chải ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Phát huy những kết quả đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Xín Chải tin tưởng và quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IV nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Phần ba

KẾT LUẬN

Trải qua các thời kỳ lịch sử chiến đấu, trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc xã Xín Chải đã chiến đấu anh dũng, tích cực lao động sản xuất, góp phần cùng nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cũng như các địa phương trên phạm vi cả nước đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc, tô đẹp thêm truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Những thành tích to lớn của quân và dân xã Xín Chải trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, đất nước thực hiện công cuộc đổi mới khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng lãnh đạo là đúng đắn. Thắng lợi đó trước hết thuộc về Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã vạch ra đường lối chính trị đúng đắn; thắng lợi đó thuộc về nhân dân các dân tộc xã Xín Chải nói riêng và huyện Vị Xuyên nói chung đã đoàn kết xung quanh Đảng, phát huy truyền thống yêu nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng dân quân du kích xã Xín Chải đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm thành công cũng như chưa thành công. Dưới đây là các vấn đề có giá trị chỉ đạo sâu sắc dẫn đến thắng lợi:

1. Quán triệt đường lối chính trị của Đảng, vận dụng tình hình cụ thể địa phương, có chủ trương biện pháp cụ thể tạo ra cơ sở chính trị vững chắc để tổ chức toàn dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ,  Chi, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã Xín Chải luôn quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân với nội dung cơ bản là kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh; nòng cốt của phong trào toàn dân đánh giặc là lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích); đồng thời tích cực nghiên cứu vận dụng một cách sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Đảng bộ, chính quyền xã Xín Chải luôn coi trọng công tác tuyên truyền giác ngộ quần chúng, tăng cường xây dựng cơ sở chính trị, thực hiện thành công cuộc vận động xóa mù chữ, cải cách dân chủ, xây dựng hợp tác xã, phát triển kinh tế văn hóa... đã thể hiện được sự đoàn kết, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc, tạo thế vững chắc để Đảng bộ xã Xín Chải thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng: Kháng chiến và kiến quốc sau này là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Xín Chải đã phát động được thế trận chiến tranh nhân dân mạnh mẽ, rộng khắp do dân quân du kích làm nòng cốt, đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân và biệt kích của đế quốc Mỹ; xây dựng hậu phương vững mạnh, góp sức chi viện cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, xã Xín Chải đã động viên toàn dân xây dựng vững chắc tuyến phòng thủ biên giới, kết hợp với tiềm lực quốc phòng, đánh thắng chiến tranh xâm lược, chiến tranh xâm lấn biên giới của địch; huy động tối đa sức người, sức của bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới đất nước xã đã chú trọng xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân, làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Do nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, nên Đảng bộ xã đã tổ chức được quần chúng, huy động được nhân lực, vật lực để kháng chiến thành công, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Thường xuyên coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục vận động quần chúng, chăm lo xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân vững chắc.

Nhận rõ vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, nắm vững đường lối, quan điểm quần chúng của Đảng. Chi, Đảng bộ xã Xín Chải đã vận dụng đúng đắn chính sách dân tộc của Đảng, thực hiện đoàn kết dân tộc, động viên và tổ chức quần chúng tham gia kháng chiến.

Thực tiễn những năm chống thực dân Pháp và tiễu trừ thổ phỉ cho thấy, nhân dân các dân tộc sau hàng chục năm bị áp bức bóc lột nặng nề đều có mối thù sâu sắc bọn thực dân phong kiến, có nguyện vọng thiết tha được giải phóng nhưng bị rằng buộc bởi tập quán lạc hậu. Bọn thống trị lại ra sức tuyên truyền lừa bịp, chia rẽ, khống chế quần chúng. Cán bộ Đảng, mặt trận Việt Minh, quân đội đã khéo léo thuyết phục, tuyên truyền, giác ngộ và tập hợp quần chúng làm cách mạng. Đồng thời cấp ủy Đảng, chính quyền xã luôn coi trọng đào tạo cán bộ địa phương để gây dựng và phát huy phong trào của quần chúng. Chi bộ xã Xín Chải đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã phối hợp cùng bộ đội địa phương xuống từng bản, xóm tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng cho đồng bào các dân tộc, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng dân quân du kích, bảo vệ trật tự trị an, giúp nhân dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đối với đồng bào các dân tộc khi được giác ngộ cách mạng sẽ biến thành lực lượng có sức mạnh rất to lớn. Với công sức và trí tuệ của nhân dân, mọi âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch nhằm lợi dụng chia rẽ dân tộc, phá hoại thành quả cách mạng đều bị thất bại.

3.Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh làm nòng cốt để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân. Kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh để xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm kháng chiến lực lượng vũ trang xã Xín Chải đã giành thắng lợi trước những đội quân xâm lược nhà nghề và bọn phản động có ưu thế về lực lượng và vũ khí. Đó chính là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân rộng khắp, liên tục tiến công địch, bộ đội địa phương và dân quân du kích xã là lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân phải được xây dựng vững mạnh, rộng khắp. Chi bộ, chính quyền xã Xín Chải nhận rõ vai trò vị trí của dân quân du kích nên đã thường xuyên quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng. Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng dân quân du kích xã vừa tổ chức chiến đấu vừa xây dựng củng cố lực lượng, ra sức giữ vững và xây dựng cơ sở chính trị, biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta và đã đem lại thành công trong xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Chi bộ xã Xín Chải đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lực lượng dân quân du kích có bản chất cách mạng, phẩm chất chính trị tốt đẹp, tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.

4. Không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, tính chủ động, tích cực tham mưu của các ban ngành đoàn thể trong công tác quân sự quốc phòng.

Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi trong xây dựng lực lượng dân quân du kích, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, động viên và tổ chức toàn dân đánh giặc giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Xây dựng chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể  vững mạnh, năng động, tích cực là điều kiện thuận lợi để xây dựng lực lượng vũ trang, tiến hành chiến tranh nhân dân. Thực tế lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quản lý điều hành của chính quyền, sự vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, công tác quân sự quốc phòng được triển khai tích cực, huy động tối đa sức mạnh của toàn dân vào xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, chiến tranh phá hoại bằng không quân và biệt kích của đế quốc Mỹ, chiến tranh chống xâm lược bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc.

Sự lãnh đạo vững vàng, kiên định của Đảng cùng tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, lấy xây dựng chi bộ vững mạnh làm hạt nhân lãnh đạo, luôn tin tưởng, gắn bó mật thiết với nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong tổ chức thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân xã Xín Chải cùng cả nước đi qua chặng đường cách mạng đầy khó khăn, thử thách nhưng hết sức vẻ vang, hoàn thành thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, giành độc lập tự do cho dân tộc, bước đầu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Với những bài học kinh nghiệm quý giá, bước vào giai đoạn cách mạng mới, quân và dân xã Xín Chải quyết tâm đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn: Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, con đường ấm no, hạnh phúc.

 

PHỤ LỤC

I. Danh sách các đồng chí Bí thư Chi, Đảng bộ xã qua các thời kỳ

1. Đồng chí Đặng Văn Thiểu (1962 - 1980)

2 . Đồng chí Lý Văn Bằn (1981 - 2002)

3. Đồng chí Đặng Văn Đàm (2002 - 2005)

4. Đồng chí Lý Hải Vân (2005 - 2007)

5. Đồng chí Đặng Viết Duật (2007 - 2010)

6. Đồng chí Bồng Văn Ơn (2010 - 2015)     

II. Danh sách các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã qua các thời kỳ

* Đại hội Đảng bộ xã lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2000-2005): 09 đồng chí

1. Đồng chí Lý Văn Bằn

2. Đồng chí Đặng Văn Đàm

3. Đồng chí Đặng Thị Cù

4. Đồng chí Đặng Văn Đồng

5. Đồng chí Lý Văn Bổi

6. Đồng chí Trần Văn Liền

7. Đồng chí Lý Văn Kéng

8. Đồng chí Đặng Văn Thái

9. Đồng chí Hoàng Văn Dầu

* Đại hội Đảng bộ lần thứ II (nhiệm kỳ 2005 – 2010) gồm: 15 đồng chí

1. Đồng chí Lý Hải Vân

2. Đồng chí Đặng Viết Duật

3. Đồng chí Bồng Văn Ơn

4. Đồng chí Lý Văn Trần

5. Đồng chí Bòng Thị Hiền

6. Đồng chí Lý Văn Bổi

7. Đồng chí Hoàng Văn Bền

8. Đồng chí Lý Thị Lan

9. Đồng chí Hoàng Quang Tuấn

10. Đồng chí Đặng Văn Thậy

11. Đồng chí Hoàng Văn Cải

12. Đồng chí Nguyễn Văn Mùi

13. Đồng chí Triệu Thanh Bình

14. Đồng chí Bồn Văn Hồng

15. Đồng chí Vũ Xuân Dương

* Đại hội Đảng bộ lần thứ III (nhiệm kỳ 2010 – 2015) gồm: 16 đồng chí     

1. Đồng chí Bồng Văn Ơn

2. Đồng chí Bàn Minh Thắng

3. Đồng chí Lý Văn Bổi

4. Đồng chí Bòng Thị Hiền

5. Đồng chí Hoàng Văn Bền

6. Đồng chí Hoàng Văn Cải

7. Đồng chí Triệu Thanh Bình

8. Đồng chí Lý Thị Lan

9. Đồng chí Lý Văn Bằn

10. Đồng chí Lý Văn Trần

11. Đồng chí Đặng Văn Nhùn

12. Đồng chí Phùng Văn Nam

13. Đồng chí Phan Thị Hiền

14. Đồng chí Đặng Văn Thậy

15. Đồng chí Mai Hồng Thái

16. Đồng chí Mai Văn Quản

* Đại hội Đảng bộ lần thứ IV (nhiệm kỳ 2015 – 2020), gồm: 16 đồng chí

1. Đồng chí Bồng Văn Ơn

2. Đồng chí Mai Hồng Thái

3. Đồng chí Lý Văn Thắng

4. Đồng chí Lý Văn Bằn

5. Đồng chí Bòng Thị Hiền

6. Đồng chí Bồn Văn Giàng

7. Đồng chí Hoàng Văn Bền

8. Đồng chí Lý Thị Lan

9. Đồng chí Trần Hữu Hiếu

10. Đồng chí Đặng Văn Thậy

11. Đồng chí Hoàng Văn Cải

12. Đồng chí Thượng Duy Dân

13. Đồng chí Phan Thị Hiền

14. Đồng chí Đặng Văn Nhùn

15. Đồng chí Mai Văn Quản

16. Đồng chí Đặng Văn Giang

III. Danh sách các đồng chí thương binh, liệt sỹ

* Danh sách các đồng chí thương binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

1. Đặng Văn Nằng

2. Đặng Văn Đài

3. Lý Văn Giàng

4. Đặng Văn Đành

* Danh sách liệt sỹ trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc

1. Lý Văn Kéng

IV. Danh sách những người con thành đạt trên địa bàn xã

1. Đồng chí Đặng Văn Đồng, Tỉnh ủy viên, Đại tá, Ban chỉ huy quân sự huyện Bắc Mê, đại biểu Quốc hội khóa VIII tỉnh Hà Giang.

2. Đồng chí Lý Văn Kéng, Đại úy, Phó Đồn trưởng đồn Biên phòng Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

3. Đồng chí Bồn Văn Thành, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.

MỤC LỤC

                                                                    Trang

Lời giới thiệu

3

Phần một

Khái quát về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội vùng Xín Chải

7

I- Khái quát điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội

7

II- Đời sống nhân dân các dân tộc vùng Xín Chải trước năm 1962 dưới sự lãnh đạo của Đảng

13

Phần hai

Xã Xín Chải được thành lập. Quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân các dân tộc xã Xín Chải dưới sự lãnh đạo của Đảng (1962-2015)

35

I- Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chi bộ và nhân dân các dân tộc xã Xín Chải tiếp tục khôi phục kinh tế, ổn định đời sống, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, thực hiện nghĩa vụ hậu phương, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1962 - 1975)

35

II- Chi bộ xã Xín Chải lãnh đạo nhân dân xã đẩy mạnh phát triển nông - lâm nghiệp, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần bảo vệ biên cương của Tổ quốc (1975 - 1986)

57

III- Chi bộ Đảng xã Xín Chải lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xã hội trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới (1986 - 2000)

77

IV- Đảng bộ xã Xín Chải được thành lập lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tiếp tục góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn (2000 - 2015)

96

Phần ba

128

Kết luận

Phụ lục

135

Chịu trách nhiệm xuất bản

Ban Thường vụ Đảng ủy xã Xín Chải khóa IV

(Nhiệm kỳ 2015-2020)

Chỉ đạo biên soạn

Đồng chí Bồng Văn Ơn, Bí thư Đảng ủy

Biên soạn

Đồng chí Bồng Văn Ơn,

Bí thư Đảng ủy xã – Trưởng ban

Đồng chí Nguyễn Minh Chiến,

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy – Phó ban

Đồng chí Lý Văn Thắng,

Chủ tịch UBND xã – Phó ban

Đồng chí Trần Hữu Hiếu,

Phó Bí thư Đảng ủy - Sỹ quan biên phòng – Thành viên

Đồng chí Lý Văn Bằn,

Phó Chủ tịch HĐND xã – Thành viên

Đồng chí Nguyễn Thị Mai,

Văn phòng Đảng ủy xã – Thành viên

Sưu tầm tư liệu

Đồng chí Hoàng Văn Bền,

Phó Chủ tịch UBND xã – Thành viên

Đồng chí Bòng Thị Hiền,

Chủ tịch UBMTTQ xã – Thành viên

Đồng chí Lý Văn Cháy, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã – Thành viên

Đồng chí Lý Thị Thẩy, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã – Thành viên

Đồng chí Đặng Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã – Thành viên

Đồng chí Nguyễn Thị Hậu, Bí thư Đoàn xã – Thành viên

Biên tập

Phòng Lý luận Chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 In 70 cuốn, khổ 14,5x20,5cm, tại Công ty Cổ phần In Hà Giang. Giấy phép xuất bản số: 28/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang cấp ngày 13/5/2020. In xong, nộp lưu chiểu tháng 5  năm 2020.

 

[1] Theo tài liệu cuốn Địa chí tỉnh.

[2] Số liệu theo Công văn số: 3487/BNG-UBBG, ngày 04/10/2011 của Bộ Ngoại giao

[3] Sinh năm 1937, là người dân tộc Dao, đại biểu Quốc hội khóa V tỉnh Hà Giang (1975 - 1976), theo cuốn Địa chí tỉnh Hà Giang tập I.

[4] Văn kiện Đảng bộ tỉnh tập III (1963-1970), tr. 568.

[5] Quốc lộ 2 chạy qua các tỉnh Hà Nội – Vĩnh Phúc – Phú Thọ - Tuyên Quang – Hà Giang (điểm đầu tại ngã ba Phù Lỗ (Hà Nội) - điểm cuối tại cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang).

[6] Hội phụ nữ xã từ năm 1966 do bà Đặng Thị Cù làm Chủ tịch.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1989, t.10, tr.731-732.

[8] Trên địa bàn xã thời điểm này chỉ còn bộ đội để chiến đấu.

Đảng bộ xã Xín Chải

Tin khác